Sunday, November 6, 2011

Lễ Tưỡng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm / Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ - Westminster, California 11/5/2011































ÔNG CAO XUÂN VĨ KỂ VIỆC NGÔ ĐÌNH NHU BÍ MẬT GẶP ÔNG PHẠM HÙNG Ở KHU RỪNG TÁNH LINH-BÌNH TUY


Thursday, 11.03.2011, 06:00am (GMT-7)




Như đã hứa, ( 1) ông Cao Xuân Vỹ, sau ba lần vào cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, đã vui lòng dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn để cống hiến bạn đọc một số hồi ức và kỷ niệm của ông trong thời gian đi theo Việt Minh kháng chiến rồi về hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm với tư cách là người phụ tá thân cận của ông Ngô Đình Nhu, bào đệ và là cố vấn chính trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.


1. Hỏi: Thưa ông, nghe nói ông cùng quê Nghệ An với ông Hồ Chí Minh?


Đáp: Phải. Tôi người làng Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu ở về phía biển, còn ông Hồ ở xã Kim Liên huyện Nam Đàn về phía núi.


2. Hỏi: Ông có thể cho biết gia đình ông có liên hệ gì với gia đình ông Hồ không?


Đáp: Tôi được biết ông cố tôi là cụ Cao Xuân Dục, thượng thư bộ học thuộc triều đình Huế có giúp đỡ thân phụ ông Hồ là Nguyễn Sinh Sắc về tài chính và khuyến khích, giúp đỡ ông ấy nhiều trong việc học hành để có thể đi thi và đậu phó bảng. Một phần vì ông Nguyễn Sinh Sắc là bạn học với ông nội tôi là Cao Xuân Tiếu. Đây là hình căn nhà ông nội tôi cho ông cử Sắc. (Ông Vỹ đưa xem hình căn nhà.)


3. Hỏi: Có tài liệu của phía Cộng Sản, như của Sơn Tùng và Nguyễn Đắc Xuân nói, khi thấy ông Nguyễn Sinh Sắc thi hỏng khoa Ất Mùi, (năm 1895), ông Cao Xuân Dục đã giúp cho ông Nguyễn Sinh Sắc được vào Huế, để có phương tiện và đủ sách vở hầu tiếp tục việc học và có thể thành đạt. Điều này có đúng không?


Đáp: Đúng. Ông cố tôi còn can thiệp để cho ông Nguyễn Sinh Sắc, dù không phải là con quan cũng được vào học ở Quốc Tử Giám. Đến khoa thi năm Tân Sửu (1901) chánh chủ khảo Cao Xuân Dục thấy khóa sinh Sắc không trúng tuyển đã cho lệnh xét lại bài thi của 4 thí sinh để rồi xin vua Thành Thái cho ông ta đậu phó bảng. Khóa ấy có 9 tiến sĩ, 13 phó bảng. Ông Sắc đậu phó bảng thứ 11.




4. Hỏi: Hồi còn nhỏ ông có biết về hoạt động của Cộng sản ở quê nhà và có chứng kiến các cuộc nổi dậy của Cộng Sản thường được gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh không?


Đáp: Có. Phong trào này mạnh nhất ở hai huyện Nam Đàn và Thanh Chương. Nhiều người bị chết oan. Cộng Sản đã giết hai tri phủ. Vì thế phản ứng của chính quyền bảo hộ cũng rất quyết liệt. Pháp đem bom thả cũng giết nhiều người, trong số ấy có cả Cộng Sản lẫn thường dân. Cha tôi có kể lại rằng để đối phó với phong trào này, ông Nguyễn Hữu Bài, thượng thư bộ Lại của Triều Đình Huế, (tương đương với chức thủ tướng thời nay), đã cho áp dụng một kế hoạch chiêu dụ Cộng Sản khá thành công. Lúc ấy ông cố tôi cùng ở trong nội các Nguyễn Hữu Bài.


5. Hỏi: Khi Việt Minh cướp chính quyền ông ở đâu? và có ủng hộ họ không?


Đáp: Lúc ấy tôi đang học ở Hà Nội. Tôi nhớ là mấy tháng trước khi Việt Minh cướp chính quyền, thanh niên sinh viên Hà Nội chúng tôi rất hăng hái ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, vì là chính phủ của Việt Nam độc lập đầu tiên, dù phải nhờ có người Nhật lật đổ người Pháp. Nhưng chúng tôi rất phấn khởi và đã ủng hộ hết mình. Tiếc rằng bỗng nhiên chính phủ này từ chức ngày 7 tháng 8 (1945). Thật khó hiểu. Tuy từ chức nhưng chính phủ Trần Trọng Kim vẫn xử lý theo lệnh nhà vua. Khi mà Việt Minh tới trám vào chỗ trống chính trị này thì chúng tôi đã đi theo Việt Minh. Chúng tôi không biết Việt Minh là Cộng Sản. Thực ra lúc ấy chả mấy người biết Việt Minh là Cộng Sản.




6. Hỏi: Ông có gặp ông Hồ bao giờ không?


Đáp: Có. Hồi ấy tôi ở trong phong trào thanh niên sinh viên tranh đấu. Chúng tôi được hai ông Hoàng Minh Giám và Phan Mỹ giới thiệu để gặp ông Hồ ở Bắc Bộ Phủ. Lúc ấy ông ấy có cái vẻ bề ngoài rất ân cần và dễ mến. Về sau tôi mới hiểu tại sao ông ấy đã chiêu dụ được nhiều người đi theo ủng hộ Việt Minh. Cho đến giờ này tôi vẫn nghĩ ông ta thật là thông minh và xảo quyệt. Lại được tay Võ Nguyên Giáp cũng rất thông minh trợ tá đắc lực. Tôi học với Võ Nguyễn Giáp 4 năm, Tôi biết ông ta rất rõ. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã tỏ ra sắc sảo và quả đoán… Rất “độc tài”. Nhưng dầu sao Võ Nguyên Giáp không thể sánh được với Ngô Đình Nhu. Còn Phạm Văn Đồng thì không đáng là học trò Ngô Đình Nhu.


7. Hỏi: Rồi tại sao ông lại bỏ Việt Minh?


Đáp: Vì chúng tôi kết án ông Hồ đã ký thỏa ước mồng 6 tháng 3, nhượng bộ Pháp quá nhiều. Hơn nữa họ đã hãm hại nhiều người yêu nước bất đồng chính kiến. Chúng tôi chạy sang phía Việt Cách của các ông Nguyễn Hải Thần và Nghiêm Kế Tổ…


8. Hỏi: Khi nào thì các ông rời Hà Nội?


Đáp: Liền khi cuộc chiến giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ ngày 19-12-46. Lúc ấy ông Hồ và đại bộ phận Việt Minh chạy lên Việt Bắc kháng chiến. Thì chúng tôi gồm 36 nhà trí thức và thanh niên sinh viên tranh đấu chạy vào khu Tư, gồm Thanh Nghê Tĩnh, để cùng với một số Việt Minh ôn hòa lập một phòng tuyến mới phi Cộng Sản chống thực dân và giúp dân mở mang về kinh tế và văn hóa. Có thể nói Liên Khu Tư lúc ấy như là một khu tự trị.


9. Hỏi: Ông có thể cho biết tên một số trong 36 nhà trí thức mà ông bảo đã rời Hà Nội vào Liên Khu Tư sau kháng chiến bùng nổ không?


Đáp: Tôi còn nhớ chẳng hạn có Luật Sư Trần Chánh Thành, các ông Trần Hữu Dương, Hồ Đắc Điềm, Phạm Thành Vinh, sau này trở thành rể của ông Hồ Đắc Điềm, ông Nguyễn Duy Quang, người của ông Bảo Đại, ông Phan Huy Xương, anh của bác sĩ Phan Huy Đán tức Phan Quang Đán, ông Tôn Thất Trạch v.v… Các ông này về sau đã hợp tác với thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ông Trần Chánh Thành từng là bộ trưởng phủ thủ tướng, với ông Tôn Thất Trạch là đổng lý văn phòng. Ngoài ra, về phía thường dân tôi nhớ còn có bà Hòa Tường là một thương gia giầu có ở phố Hàng Đào cũng đi theo.
Tôi xin nói thêm ông biết điều này, là những vị này và tôi hồi đầu theo Việt Minh. Nhưng tất cả đều không phải Cộng Sản. Và ngay từ 1930 thì đã có hai phe cùng chống Pháp một bên là Đảng Cộng Sản, lúc ấy chưa có Việt Minh. Một bên là các nhân vật và tổ chức quốc gia phi Cộng Sản trong đó ngoài những người như ông Ngô Đình Diệm đã bắt đầu hoạt động từ đó, còn có các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà đảng trưởng là Nguyễn Thái Học và 13 đồng chí đã bị Pháp xử bắn.




10. Hỏi: Khi nào ông rời Liên Khu Tư vào Sài Gòn và gặp ông Ngô Đình Nhu?


Đáp: Chúng tôi rời Liên Khu Tư ra Hà Nội. Chứ chưa vào Sài Gòn. Lúc ấy là vào khoảng đầu năm 1953. Ông Hồ Chí Minh theo lệnh Stalin và Mao Trạch Đông khỉ sự chuẩn bị mở chiến dịch Giảm Tô và cải cách ruộng đất. Có người thân trong Việt Minh cho chúng tôi biết. Nên tìm đường chạy trước. Về sau trong họ tôi có nhiều người có chút tư điền bị đem ra đấu tố. Chị ruột tôi cũng bị giết. Tôi “dinh Tề” qua ngả Phúc Nhạc, Phát Diệm là khu an toàn tự trị dưới quyền trông coi của giám mục Lê Hữu Từ. Khó khăn lắm mới tới được Hà Nội. Hà Nội lúc ấy đang sống an bình dưới chính quyền Bảo Đại. Tôi đi thoát được là nhờ có người chú họ ở trong tổ chức Việt Minh cấp cho một giấy thông hành. Ở Hà Nội tôi gặp lại các ông Đặng Văn Sung, Phan Huy Quát từng hoạt động chung với chúng tôi thời 1945.
Trong thời gian còn ở Liên Khu Tư chúng tôi nghe biết cán bộ Cộng Sản trong tổ chức Việt Minh chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cán bộ Trung Cộng. Sau khi Mao Trạch Đông chiếm trọn lục địa vào cuối năm 1949, ông ta đã bắt Hồ Chí Minh gửi một số lớn cán bộ Việt Cộng sang Tầu để tẩy não, cải tạo tư tưởng, bắt học tập chủ nghĩa Mao-ít. Vì cái chủ nghĩa này mà các chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đã đẫm máu với những vụ con tố cha, vợ tố chồng và nông dân tàn sát lẫn nhau thật rùng rợn. Làng tôi có ông hàn Lương biết mình sắp bị đưa ra đấu tố đã nhảy xuống giếng tự tử, vậy mà đội cải cách đã lôi xác ông lên để đấu cái thây ma. Chúng đánh nát bấy cái thây ấy. Tôi mong có người thâu thập những tin tức khắp nước về cuộc Cải Cách Ruộng Đất thời gian đó để cho mọi người biết Cộng Sản dã man chừng nào.


11. Hỏi: Khi nào thì ông gặp ông Ngô Đình Nhu?


Đáp: Cuối năm 1953. Tôi vào Sài Gòn thì gặp lại ông Trần Chánh Thành. Ông Thành giới thiệu tôi với ông Nhu. Ông Thành vào Sài Gòn năm 1952 cùng một lượt với phần lớn trong số 36 nhà trí thức đã vào Liên Khu Tư để kháng chiến chống Pháp nhưng bất hợp tác với Việt Minh. Lúc gặp lại tôi thì ông Thành đang làm cho tờ báo Xã Hội của ông Nhu, đồng thời tập sự luật sư với Luật Sư Trương Đình Du...


12. Hỏi: Theo chỗ chúng tôi biết thì ông Ngô Đình Nhu từng có 5 nhiệm vụ quan trọng: một là dân biểu Quốc Hội, hai là Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống, ba là thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa, bốn là Tổng Bí Thư đảng Cần Lao Nhân Vị, và sau hết vào năm cuối cùng ông còn là chủ tịch ủy ban liên bộ về Ấp Chiến Lược. Vậy ông ấy có một lực lượng nhân sự nào đáng kể để giúp thi hành chừng ấy nhiệm vụ không? Ví dụ ông ấy có mấy văn phòng? Có bao nhiêu nhân viên được ăn lương?


Đáp: Ông ấy chỉ có một mình thiếu tá Phạm Thu Đường làm chánh văn phòng, thường được gọi là chánh văn phòng ông Cố Vấn. Và dưới quyền thiếu tá Đường chỉ có 5 nhân viên, hầu hết tự túc. Không có ngân khoản nào dành cho ông Cố Vấn. Và phải nói thực khó hiểu là chính chức Cố Vấn này cũng chẳng được một văn kiện nào bổ nhiệm hay quy định nhiệm vụ. Thực tế ông Nhu chỉ giúp việc cho riêng ông Diệm với tư cách là phụ tá cho Tổng Thống. Người ta thấy việc ông làm thì gọi ông là Cố Vấn vậy thôi. Vì thế ông không có quyền hạn và nhiệm vụ gì chính thức.
Còn về thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa, thì ông chỉ thị cho chúng tôi, phải tự túc. Mọi đoàn viên đều tự nguyện và tự túc theo tinh thần cách mạng. Cho nên cũng chẳng có quyền lợi gì.


Về văn phòng dân biểu, ông cũng không có. Thực ra ông ấy rất ít đi họp Quốc Hội. Chỉ khi nào có vấn đề chính sách quan trọng như Ấp Chiến Lược chẳng hạn, hay vấn đề “Giáo Dục nhân bản”, vấn đề “kinh tế tư hữu cơ bản” v.v.. thì ông mới tới trình bày mà thôi. Cho nên mọi thứ một mình ông cáng đáng. Tôi thật phục sức làm việc của ông Nhu.


13. Hỏi: Thế còn chức chủ tịch ủy ban liên bộ về Ấp Chiến Lược thì sao? Có văn thư nào quy định không?


Đáp: Chức này thì có. Nhưng cũng chỉ là một thông tư của phủ Tổng Thống gửi đến các bộ, để việc ông chủ tọa các phiên họp Ủy Ban Liên Bộ được danh chính ngôn thuận. Ông Nhu quan niệm chương trình Ấp Chiến Lược là một cuộc cách mạng xã hội và chính trị, chứ không phải chỉ là một chiến lược để đối phó với sự xâm nhập và khủng bố của Cộng Sản mà thôi. Ông thúc đẩy các tỉnh trưởng khai hóa người dân quê theo tinh thần tam túc, nghĩa là tự túc về tư tưởng, tự túc về tổ chức và tự túc về kỹ thuật, để có thể làm chủ cuộc đời mình, làm chủ được xã hội, không bị lệ thuộc vào bên ngoài, vào ngoại bang. Ông để rất nhiều thì giờ đích thân soạn những bài thuyết trình có tính lý luận cao dành cho các cấp lãnh đạo chính phủ và cán bộ cao cấp, chỉ cho họ cách thức đưa những tư tưởng cao vào đầu óc thường dân qua những hình ảnh và ngôn ngữ bình dân dễ hiểu. Mục đích của ông là tiến dần tới một xã hội có tổ chức cao, có đầy đủ các phương tiện truyền thông, giao tế, kinh tế, văn hóa cao trong đó mỗi con người, “mỗi nhân vị”, đều được quan tâm đồng đều, chứ không biến con người thành những “cái đinh, con ốc” trong một guồng máy xã hội theo kiểu Cộng Sản. Ông tin tưởng rằng phương pháp đó về lâu về dài sẽ làm cho CS phải đầu hàng. Chứ không phải chỉ dựa vào những hàng rào giây kẽm gai. Dĩ nhiên ban đầu thì việc rào ấp là cần thiết để giữ cho Ấp Chiến Lược được an toàn trước sự phá hoại và tấn công của du kích CS. Quốc sách Ấp Chiến Lược mà thành công thì Cộng Sản sẽ thành cá bị tát ra khỏi ao, nằm trên đất.


14. Hỏi: Về đảng Cần Lao Nhân Vị, nó thành hình ra sao, và ai là những đồng chí cốt cán nhất của ông Nhu?


Đáp: Hai người cùng với ông Nhu sáng lập ra đảng Cần Lao Nhân Vị là các ông Trần Quốc Bửu và Huỳnh Hữu Nghĩa. Nhưng ban đầu các ông không gọi tên đảng là Cần Lao mà gọi là đảng Công Nông. Nhưng vì không muốn gợi ý về cái liên minh công nông của Cộng Sản, nên về sau các ông đổi ra là Cần Lao. Còn vế Nhân Vị thì sau nữa mới thêm vào theo đề nghị của ông Nhu. Ông Bửu, chủ tịch Liên Đoàn Lao Công có kinh nghiệm về đấu tranh nghiệp đoàn, đã quen ông Nhu khi còn ở bên Pháp. Và ông Huỳnh Hữu Nghĩa một tín đồ Cao Đài, là cố vấn chính trị của tướng Trình Minh Thế. Ông Nghĩa đã giúp ông Nhu chinh phục được tướng Thế, chứ không phải như có người Mỹ cho rằng ông Nhu có được ông Thế là nhờ đại tá Edward Lansdale. Ông Lansdale có can thiệp để quân của tướng Thế được hợp thức hóa và trả lương như Quân Đội Quốc Gia thì đúng. Người nào bảo Lansdale dùng tiền mua Tướng Thế là cố tình xuyên tạc để hạ uy tín của một vị tướng kiên cường anh dũng, thanh liêm mà anh em ông Diệm rất quý trọng. Khi nghe tin tướng Thế tử trận Tổng Thống Diệm đã ngất xỉu. Điều này tướng Lansdale có ghi trong hồi ký.
Văn phòng Tổng Bí Thư đảng Cần Lao cũng do một mình Thiếu Tá Phạm Thu Đường quán xuyến, kiêm nhiệm.


15. Hỏi: Ông Ngô Đình Diệm có giữ vai trò gì trong đảng Cần Lao không?


Đáp: Không. Ông ấy hoàn toàn ở ngoài và trên đảng Cần Lao. Với ông Diệm chỉ có Tổ Quốc và Quốc Dân. Tôi còn nhớ khoảng năm 1956, Tổng Thống gọi tôi vào bảo tôi lên cao nguyên đèo heo hút gió để quan sát nghiên cứu tìm ra những địa điểm thích hợp để lập các khu dinh điền, hòng đưa người kinh lên trấn giữ địa điểm mà ông bảo là vô cùng quan trọng về mặt chiến lước. Tôi thấy mình đi thì ông Nhu thiếu một trợ lý. Lại cũng hơi ngán cảnh cô đơn ở nơi xa lạ. Tôi bèn thưa với Tổng Thống: Công tác đoàn thể của ông Cố Vấn đang thiếu người. Tổng Thống nói: Đoàn thể gì. Dẹp. Tuy nhiên rồi ông cũng đấu dịu. Cứ đi đi. Thỉnh thoảng tôi sẽ lên với anh… Cũng cần thêm rằng ông Diệm rất quan tâm đến vùng cao nguyên. Ông thường nói: giữ được cao nguyên thì giữ được miền Nam. Và ông tìm cách đưa nhiều cán bộ và những người dân có kinh nghiệm với Cộng Sản lên đó lập nghiệp.


16. Hỏi: Ông nghĩ gì về việc chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế ông Bảo Đại?


Đáp: Nhiều người chê ông Diệm, là nhà Nho mà bất trung, không giữ lời thề trung thành với cựu hoàng. Nhưng tôi thấy không đúng. Trước hết chính cựu hoàng bảo ông Diệm chỉ thề trước Thánh Giá trung thành với Tổ Quốc. Thứ nữa, khi cựu hoàng triệu ông sang Pháp, ông Diệm đã sẵn sàng lên đường, dù biết sang đó sẽ mất chức thủ tướng.
Nhưng chính nhóm liên khu Tư chúng tôi đã thuyết phục ông, gần như làm áp lực với ông, để ông bỏ ý định sang Cannes . Chúng tôi xúm vào yêu cầu ông ở lại lấy cớ tình hình không cho phép vắng mặt. Chúng tôi phải nói với thủ tướng rằng nếu Cụ bỏ chúng tôi lại mà đi một mình thì sinh mệnh chúng tôi ai sẽ lo? Chúng tôi đã bỏ tất cả vào đây là vì cụ, vì tin cụ sẽ bảo vệ phần đất tự do còn lại này, bảo vệ chúng tôi. Nay cụ nỡ lòng nào bỏ chúng tôi, bỏ đất nước này cho Thực dân, Cộng Sản? Rồi nhiều đoàn thể họp nhau lại đặt ông Diệm trước sự việc đã rồi là tự ý hạ bệ ông Bảo Đại. Cuộc trưng cầu dân ý của chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức sau đó chỉ là để hợp pháp hóa hành động của chúng tôi.


17. Hỏi: Có sử gia Mỹ bảo ngày 22 tháng 8 năm 1963, Thanh Niên Cộng Hòa đã tấn công chùa Xá Lợi cùng với Cảnh Sát và Lực Lượng Đặc Biệt. Điều này có đúng không?


Đáp: Hoàn toàn bịa đặt. Tổ chức này không phải để dùng vào những việc như vậy. Nó là tổ chức phi vũ trang mà.
18. Hỏi: Sử gia Mark Mayor viết trong tác phẩm Triumph Forsaken rằng gần ngày đảo chính, tỉnh trưởng Định Tường báo cáo với ông Nhu rằng đại tá Có là phụ tá của tướng Đính rủ ông ta làm đảo chính. Ông Nhu hỏi lại tướng Đính, thì tướng Đính xin đi chém đầu Có. Ông có biết vụ này không?


Đáp: Không cần tỉnh trưởng Định Tường báo cáo thì ông Nhu đã biết rồi. Nhưng ông muốn cứ để vậy để theo dõi.




19. Hỏi: Khi ông cùng ông Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy, ông Nhu có cho ông biết hai người họ bàn chuyện gì không?


Đáp: Lúc ấy thì không. Chỉ biết chúng tôi cùng đến Quận Tánh Linh ở đây có một vùng do Cộng quân kiểm soát. Ban đầu cứ tưởng đi săn cọp như mọi khi. Nhưng đến nơi ông Nhu bảo chúng tôi ở ngoài, còn ông đi về phía trước độ vài trăm mét. Có Phạm Hùng chờ ở đó. Sau này về nhà tôi cũng không tiện hỏi ông Nhu. Nhưng qua những gì ông tự ý nói ra vào một lúc nào đó thì, nội dung câu chuyện trên một tiếng đồng hồ, gồm nhiều điều cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Có một điều mà phía họ rất quan ngại, nếu không bảo là sợ, rất sợ chương trình Ấp Chiến Lược. Họ yêu cầu cho biết ai là người chủ trương và mục đích để làm gì? Ông Nhu trả lời: đó chỉ là một chủ trương của chính phủ nhằm bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, ngăn ngừa sự xâm nhập, phá phách của du kích các ông… Các ông bảo cán bộ đừng tìm cách đánh phá làng xã, thì chúng tôi sẽ bỏ luật 10/59. Cán bộ các ông có thể về sống với dân lành tại các ấp…
Về các điều kiện để hiệp thương thì nhiều lần Tổng Thống Diệm đã nói, phải có 6 giai đoạn:
- Bắt đầu bằng việc cho dân hai miền trao đổi thư tín tự do.
- Rồi cho dân qua lại tự do
- Thứ 3 là cho dân hai bên được tự do chọn đinh cư sang bên kia nếu muốn
- Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn.
- Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương.
- Và sau cùng là tổng tuyển cử.
Có lần ông Nhu tính với chúng tôi: Ông dự đoán rằng, nếu cho dân tự do chọn nơi định cư, thì căn cứ theo tình trạng về tự do dân chủ tồi tệ và kinh tế kiệt quệ của miền Bắc lúc ấy, sẽ có khoảng 3 triệu người dân sẽ dần dần vào định cư ở miền Nam. Vì vậy “mình” phải chuẩn bị đất cho dân. Ông cũng tính rằng hiện dân số miền Bắc có tới 23 triệu, trong khi dân số miền Nam chỉ có 17 triệu. Nếu có được 3 triệu dân Bắc vào định cư ở miền Nam thì dân số 2 bên sẽ cân bằng. Bầu cử tự do, với sự giám sát của Quốc Tế thì chắc mình sẽ thắng.


20. Hỏi: Lần ông tháp tùng ông Nhu đi dự lễ đăng quang của quốc vương Ma-rốc năm 1962, ông có cho biết là sau đó các ông đến Paris gặp ông Pinay, đại diện Tổng Thống Charles De Gaulle, bàn chuyện hiệp thương với ông Hồ. Lúc ấy có mặt giáo sư Bửu Hội không?


Đáp: Dĩ nhiên là có. Vì Giáo sư Bửu Hội là đại sứ của VNCH ở Ma-rốc, và là bạn học với ông Nhu ở bên Pháp. Ông Bửu Hội lại từng là cố vấn cho Hồ Chí Minh. Nên trong việc này, có thể nói vai trò của ông Bửu Hội cũng quan trọng không kém ông Nhu. Ông Nhu và chúng tôi ở khách sạn Grillon cả tháng. Cuộc tiếp xúc xảy ra nhiều lần mà hầu như lần nào cũng có sự hiện diện của giáo sư Bửu Hội. Ông Nhu cho biết lúc ấy ông Hồ Chí Minh đã nhờ ông Jean Sainteny xin Tổng Thống De Gaulle giúp. Ông Hồ biết là ông De Gaulle đang có chủ trương trung lập Đông Dương, lại hận Mỹ đã “hất cẳng” Pháp. Ông Hồ nhờ Sainteny xin Tổng Thống De Gaulle can thiệp để tiếp xúc với Sài Gòn. Tổng Thống Pháp rất sốt sắng trong việc này. Sau chuyến đi này ít tháng thì xảy ra vụ ông Nhu “đi săn cọp” ở Tánh Linh.


21. Hỏi: Gần ngày đảo chính đại sứ Cabot Lodge có điện đàm với Tổng Thống Diệm. Lúc đó ông có ở bên cạnh Tổng Thống không?


Đáp: Không.


22. Hỏi: Trong cuốn Nhớ Lại Những Ngày ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cựu đại tá Nguyễn Hữu Duệ viết rằng ông ta xin phép Tổng Thống đem xe tăng thiết giáp lên bộ tổng Tham Mưu để bắt các tướng và dẹp đảo chính. Nhưng Tổng Thống không cho. Ông có biết chuyện này không?


Đáp: Lúc ấy tôi đang ở bên Tổng Thống Diệm và ông Nhu tại dinh Gia Long. Chính tôi nghe điện thoại của ông Duệ và trình lên Tổng Thống.
Tổng Thống la tôi: Các anh muốn gì?Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ An các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ tổ quốc hả?
Tôi thưa: Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng Thống. Chẳng lẽ để phải chết sao?
Ông quát lên: Chết thì đã sao.
Đúng, đối với ông chết thì đã sao. Nhưng đối với chúng ta thì cái chết của ông là cái chết dần của miền Nam. Ông còn nói quân đội là để bảo vệ tổ quốc chứ không phải để bảo vệ cá nhân Tổng Thống.
Ông bảo tôi liên lạc với ông Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch Quốc Hội yêu cầu cho triệu tập Quốc Hội để ông ra từ chức trước Quốc Hội, hòng tránh cảnh đổ máu. Nhưng tôi gọi ông Lễ 4 lần không được.
Lúc ấy không phải chỉ có Lữ Đoàn xin lên tấn công tổng hành dinh của nhóm đảo chính. Mà còn có cả một đại đội biệt kích thuộc Lực Lượng Đặc Biệt đi hành quân ở Tây Ninh vừa về đến Sài Gòn cũng báo cáo là lực lượng phòng vệ của các tướng đảo chính ở Tổng Tham Mưu rất yếu, đại đội biệt kích xin phối hợp với 2 tiểu đoàn của Lữ Đoàn Phòng Vệ phủ Tổng Thống để đột kích vào bắt hết các tướng đảo chính. Tướng Nguyễn Văn Phú, lúc ấy còn là Thiếu Tá đã tiếp xúc với tôi về việc này. Nhưng như vừa nói. Tổng Thống không chấp thuận.
Viên đại úy đại đội trưởng Biệt Kích đề nghị cho lực lượng của Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có xe bọc thép dẫn đầu tiến tới bao vây bộ Tổng Tham Mưu, còn đại đội của anh ta sẽ đột kích bọc hậu từ phía sân vận động vào bắt sống các tướng. Tôi rất buồn bực và lấy làm khó hiểu tại sao ông cụ lại không cho đánh. Ông Nhu ngồi cạnh đó cũng chẳng nói gì.


23. Hỏi: Theo ông trong số các tướng lãnh lúc ấy ai có khả năng nhất?


Đáp: Tôi hầu như không tiếp xúc với các tướng. Ngay cả Phó Tổng Thống cũng vậy. Hầu như chẳng bao giờ gặp. Nhưng tôi có nghe ông Nhu nói ông Nguyễn Văn Thiệu, lúc ấy mang lon đại tá, là một tư lệnh (sư đoàn 5) giỏi nhất. Ông Nhu có nhận xét đó sau khi nghe ông Thiệu thuyết trình ở hội trường Suối Lồ Ồ.
Còn các tướng thì rất sợ Tổng Thống Diệm mỗi khi phải thuyết trình cho ông về tình hình an ninh. Bởi vì ông nắm vững tình hình và nhất là địa hình địa vật… địa lý của từng vùng. Kiến thức về quân sự của ông cũng rất uyên bác. Tôi được biết, khi mới về nước làm thủ tướng, ông đã yêu cầu tổng lãnh sự ở Hồng Kông mua cho ông tất cả tác phẩm của Mao Trạch Đông, Chu Đức, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài để đọc và bắt ông Nhu phân tích nghiên cứu trình lên.


24. Hỏi: Nghe nói ông bà Nhu có một biệt thự đẹp lắm ở Đà Lạt. Ông có tới đó bao giờ không?


Đáp: Ông nói đến cái biệt thự này, tôi lại nhớ tới cái ông luật sư Trương Phú Thứ ở Seattle . Ông ấy muốn tìm cách phỏng vấn bà Ngô Đình Nhu mà không sao được. Chẳng rõ tại sao ông ta biết nhà tôi, tìm đến xin tôi giới thiệu với bà Nhu. Tôi biết đã từ lâu bà ấy ẩn dật không muốn báo chí nhắc tới. Nhưng tôi biết bà ấy hãy còn quyến luyến ngôi nhà hai phòng ngủ của một người Pháp, bỏ hoang đã lâu mà anh em chúng tôi hùn tiền mua cho ông bà ấy vào khoảng năm 1960, mà hông đủ tiền sửa chữa, cho nên đến khi ông Nhu bị sát hại và bà Nhu sống lưu vong, cũng mới chỉ sửa được phân nửa.
Tôi bảo ông Thứ hãy về Việt Nam, lên Đà Lạt chụp ảnh ngôi nhà ấy rồi mang theo sang Pháp, tìm cách đưa tấm hình đó tận tay bà Nhu thì may ra bà ấy cho gặp. Thì quả thật chắc ông đã biết, ông Thứ đã viết một bài cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong nói về bà Nhu ở tuổi gần bát tuần sống như một nhà tu ở Paris. Tôi mong ông Thứ có dịp phổ biến tấm hình này để độc giả thấy cái “ngôi biệt thự xinh đẹp” của ông bà Nhu.


25. Hỏi: Thống tướng Maxwell Taylor, Đại sứ Frederick Nolting và nữ ký giả Marguerite Higgins đều nói được Tổng Thống Diệm tiếp hơn kém khoảng 5 giờ đồng hồ. Ông có biết điều đó và có ý kiến gì không?


Đáp: Lúc ấy nhiều người nói tổng thống tiếp khách lâu quá. Tôi có trình ông, bảo người ta phê bình tổng thống độc thoại!
Ông cười. Ông bảo: Người Mỹ họ ít hiểu về dân tôc mình về lịch sử của nước mình. Mình phải lợi dụng lúc họ chịu nghe để nói cho họ hiểu chứ. Mấy người này đều chăm chú nghe tôi và đặt nhiều câu hỏi. tôi phải trả lời cho họ chứ.


26. Hỏi: Gần ngày đảo chính Tổng Thống có mời ông bà Đại Sứ Mỹ lên Đà Lạt nghỉ tại biệt điện của Tổng Thống và dự dạ tiệc thân mật. Ông có biết họ thảo luận về việc gì không?


Đáp: Tôi có biết và nhớ là Tổng Thống đề nghị chính phủ Mỹ thông cảm những khó khăn của miền Nam và đừng ép ông phải cải cách gấp rút. Ông cũng hứa sẽ xem xét những đề nghị của chính phủ Mỹ một cách nghiêm chỉnh. Nhưng cần phải có thời gian. Phía ông Lodge thì nằng nặc đòi Tổng Thống phải đưa ngay ông Nhu ra ngoại quốc. Nhưng dĩ nhiên không bao giờ Tổng Thống nhượng bộ điều này được.


27. Hỏi: Xin ông tha lỗi, ông là Phật tử chứ ạ? Và trong vụ Phật Giáo có ai nhờ ông làm trung gian để thương lượng giàn xếp giữa chính quyền và bên Phật Giáo đấu tranh không?


Đáp: Phải, tôi là Phật tử đã quy y… – Ông vào phòng lấy ra một cuộn giấy mở cho tôi thấy tờ PHÁI QUY Y rồi nói tiếp – Tôi quy y với thầy Thích Minh Châu. Khi vụ Phật Giáo xảy ra tôi có ra Huế gặp thầy Thích Trí Thủ để nhờ thầy can thiệp với Thượng Tọa Thích Trí Quang… nhưng Hòa Thượng Trí Thủ nói bây giờ các thầy trẻ học thức nhiều, họ có đường lối riêng, các sư già chúng tôi nói họ không nghe. Nên không kết quả. Nhiều người khác cũng can thiệp nhiều ngả khác, cũng không hơn gì. Hồi ấy còn cả một ủy ban của chính phủ gồm nhiều Phật tử đứng đầu là phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cố gắng dàn xếp. Nhưng bên Phật Giáo tranh đấu chỉ muốn lật đổ chính phủ thôi. Nên họ cố đưa ra những yêu sách không cách nào làm được. Tôi rất ân hận là không giúp gì được với tư cách là một Phật tử.




28. Hỏi: Theo ông thì ai cố ý giết hai ông?


Đáp: Theo tôi thì người ra lệnh trực tiếp là tướng Dương Văn Minh. Còn ông Minh có nhận lệnh ở trên nào không thì không biết. Sở dĩ tôi dám quả quyết ông Minh, là vì chính ông Minh sai cận vệ của ông ta là đại úy Nguyễn Văn Nhung cùng đi với tướng Mai Hữu Xuân, để “thi hành nhiệm vụ”(!). Và Nhung đã leo lên xe bọc thép trong đó có hai anh em Tổng Thống. Nhung là một tay giết người không gớm tay, y còn khắc dấu vào cán dao găm mỗi lần giết được một người. Ngay tối mồng hai y còn khoe “con dao lịch sử” của y với con của tướng Đôn cơ mà. Đó là theo chính lời của tướng Đôn thuật lại trong Việt Nam Nhân Chứng. Còn tướng Xuân thì khi “đi đón ông cụ” về và ông cụ đã chết rồi, đã tới trước Dương Văn Minh giơ tay làm dấu, miệng nói: “Mission accomplie” (Nhiệm vụ hoàn thành).Cứ theo những lời trên của tướng Đôn, thì không nghi ngờ gì người chủ trương và ra lệnh giết hai ông là tướng Big Minh.


29. Hỏi: Thời gian quấy rầy ông đã quá dài. Nhất là trong lúc ông còn bịnh nhiều. Xin cám ơn ông đã mất công trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Và nếu có thể được xin ông cho một cảm tưởng chung về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.


Đáp: Tôi cũng xin cám ơn ông đã tốn công đi từ xa đến để cho tôi được có dịp nói lên vài điều trong số những gì mình còn nhớ được về thời gian dài phục vụ Đất Nước bên cạnh hai nhân vật lịch sử mà tôi hằng kính mến. Cứ mỗi lần nhớ đến hai cụ, tôi đều ngậm ngùi xót xa. Nhất là đối với cụ Diệm. Ông quá ngay thẳng, quá quân tử, quá rộng lượng, lúc nào cũng nghĩ tới làm cho dân được ấm no hơn. Vậy mà người ta nỡ hãm hại ông. Không phải chỉ có những ngày giỗ hai ông tôi mới khóc.


Cụ Vỹ dằn cơn xúc động bắt tay tôi khi tôi từ biệt ra về...


1 Như đã trình bày trong bài “Ba giờ nghe một nhân chứng”.
Minh Võ, San Diego

Lễ Cầu Hồn và Giỗ Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm ( 1-11-2011 ) tại Lái Thiêu .
Hình ảnh buổi lễ cầu hồn tại ngôi mộ Tổng Thống .

Những người đã vượt giới tuyến

VRNs (02.11.2011) – Bình Dương – Đường từ Sài Gòn về Lái Thiêu giữa trưa cuối thu của Miền Nam thì cũng không khác gì mùa hè. Nắng và nóng. Từ sớm, những người chuyên sống nhờ người chết đã đến nhổ cỏ, quét dọn quanh các ngôi mộ, mà theo kinh nghiệm của họ, ngày hôm nay, 1 tháng 11, thế nào cũng có người đến viếng mộ.
Nghĩa trang Lái Thiêu và nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi đối diện nhau. Thật ra gọi tên là nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi là gọi theo cách của những người đến viếng mộ, vì hầu hết các ngôi mộ ở đây đã được cải táng và di dời từ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, là tiền thân của công viên Lê Văn Tám hiện nay, trước kia ra để cải tạo môi trường.
Chúng tôi đến viếng mộ cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Cẩn được cải táng từ nghĩa trang chùa Phổ Quang ra.
Và điểm dừng chính là mộ cố tổng thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, và mộ cụ cố vấn Giacôbê Ngô Đình Nhu, giữa là phần mộ của thân mẫu hai ông,
cụ cố Luxia.
Cha Giuse Thoại niệm hương trước mộ cụ GB. Ngô Đình Cẩn
Nhìn tấm bia không hình, không ghi rõ tên, mà chỉ ghi Huynh và Đệ, để ai biết chuyện có thể đoán ai là ngài tổng thống, đâu là ông cố vấn. Cả hai mộ ghi ngày 2 tháng 11 năm 1963. Cả hai người đã bị sát hại vào đúng lễ các linh hồn cách nay đúng 48 năm. Bà Thịnh đã có 20 năm sống bằng nghề nhổ cỏ nghĩa trang ở đây kể: “Cách đây vài năm có mấy người đến viêng mộ cụ Huynh, cụ Đệ. Những người này đưa tiền cho chồng tôi bảo làm bia mới, ghi rõ ‘Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu’, chồng tôi không dám, nên bảo chỉ có thể ghi tên và họ thôi. Những người khách đồng ý, chồng tôi đã làm và gắn lên. Thời gian sau, chính quyền địa phương đi kiểm tra bắt tháo ra, ném xuống đất rồi họ lấy chân đạp lên !” Người chết vẫn bị khinh miệt ! Điều này đau, nhưng không đau bằng 48 năm rồi, mà vẫn có những người chấp nhận mình “mù”, không tự tìm sự thật để rồi hành xử không hơn gì loài vật.
Một bạn trẻ chụp hình bên mộ bà cố Luxia,
bên trái của hai người làm cỏ là phần mộ cụ cố vấn Ngô Đình Nhu (Đệ)
Việc tỏ bày sự kính trọng đối với cố tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn là một việc mà nhiều người cho rằng cấm kỵ.
Như thế mới biết thời nay còn phong kiến hơn cả các triều phong kiến Việt Nam.
Cô Thuỳ lần đầu tiên đến nghĩa trang này để thắp hương cho cố tổng thống Ngô Đình Diệm, cô rất sợ, nhìn ai cũng nghĩ là công an và lo CA sẽ bắt.
Riêng với người viết bài này, trước lúc đi được một người thân lưu ý “take care !”
Chúng tôi những người sinh sau đẻ muộn, chỉ được học sử Việt Nam theo cái nhìn của đảng cộng sản nên đã có những lúc mặc cảm vì người Công giáo mình lại có một vị tổng thống làm chi, để cho người vô thần lên án, bêu rếu. Cũng may, có Chúa quan phòng, internet được phát minh, những người trẻ bắt đầu biết được nhiều điều thật hơn về lịch sử, rồi lại có cơ hội bàn hỏi với nhiều người am hiểu lịch sự cách đa chiều. Chúng tôi biết nỗi mặc cảm của mình là vô lý, mà ngược lại phải tự hào về ngài tổng thống của nền đệ nhất cộng hoà, thổng thống Ngô Đình Diệm. Một người lãnh đạo toàn tâm, toàn ý với dân nước, dứt khoát không cuối đầu lệ thuộc ngoại bang. Cái chết của anh em cụ là kết quả của sự dứt khoát không theo Mỹ, không để người nước ngoài can thiệp quá sâu vào chuyện quốc gia Việt Tổ.
Cộng đoàn đang lắng nghe bài đọc 1

Cộng đoàn lắng nghe bài đọc 2 từ thư thánh Phaolô
gởi tín hữu Rôma

Cha Đinh Hữu Thoại công bố Lời Chúa
Chúng tôi muốn cầu lễ cho cụ cố tổng thống Gioan Baotixita ngay tại phần mộ của cụ, như lời thì thầm xin lỗi với cụ suốt 48 năm qua, chúng tôi đã không hiểu đúng về cụ, về công lao cụ đã dành cho quê Việt mình, và nhất là cũng vì nỗi sợ hãi bị chụp mũ, bị mắc vạ vẫn còn lăm lăm ăn tươi nuốt sống chúng tôi. Thánh lễ hôm nay bắt đầu lúc 12:00, ngày 01.11.2011, mộ cụ tổng thống là bàn thờ. Thánh lễ do cha An Thanh chủ tế cùng với cha Hữu Thoại đồng tế. Cha chủ tế nói lý do của buổi lễ: “chúng ta cầu nguyện cho các lãnh tụ Việt Nam ở mọi phía và các tử sĩ thuộc về các bên. Cầu nguyện cho tổng thống Ngô Đình Diệm và cả chủ tịch Hồ Chí Minh. Cầu nguyện cho những chiến binh và thường dân chết vào tết Mậu Thân, những người chết vì bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, những người chết trong cuộc chiến Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1979 và các năm tiếp theo tại Kampuchia, và tất cả những người đã tử trận mà chưa có ai nhớ đến để cầu nguyện. Người chết không còn giới tuyến, nên chúng ta không gây chia rẽ họ nữa”.
Cha An Thanh đang chia sẻ bên mộ
cố tổng thống GB. Ngô Đình Diệm

Mọi người hiệp nhất trong lời nguyện:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời …”
30 người chúng tôi không muốn dứt lìa với quá khứ mà nối tiếp với tình yêu thương. Chúng tôi không muốn người một nhà, dân một nước lại đối xử với nhau tồi tệ như những kẻ thù địch với nhau. Hết rồi thời nhân danh ý thức hệ để đổ máu nhau, làm cho huynh đệ tương tàn. Chấm dứt đi sự hận thù giữa người với nhau và với cả người chết nữa. Trong Chúa Yêsu, chúng tôi thấy những người đã qua đời đã vượt qua được giới tuyến của ý thức hệ để là người trong ngôi nhà Việt Nam và trong làng của Đức Chúa Trời.
Chụp hình lưu niệm, nhưng vẫn có vài người muốn tránh mặt
Xin Chúa cho linh hồn Gioanbaotixia được nghỉ yên muôn đời

http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif                                                          
                             .    

MỘT QUÃNG ĐỜI
Số tôi hình như có duyên nợ làm sao ấy với xứ Huế, chốn thần kinh, miền sông Hương núi Ngự.  Ra Huế học những năm trung học thời Pháp thuộc, vừa thi đậu đíp-lôm xong (thời ấy gọi là bằng thành chung), việc trước mắt của tôi là tìm công ăn việc làm để nuôi sống bản thân, phần nào giúp đỡ gia đình.  Cha mẹ tôi năm ấy đã già, tôi là con trưởng trong một gia đình đông con, mẹ tôi, một nhà giáo sắp về hưu, nên đã xin thuyên chuyển từ một tỉnh miền nam, nơi mẹ dạy học, về Quảng Ngãi, chốn quê hương để sống với tuổi già.  Sau một thời gian ngắn về Quảng thăm nhà để thầy mẹ mừng mình thi đậu, trong làng ngoài quận bà con cô bác đối với mình có phần khác, trọng nể gia đình mình hơn, vì mình đã đậu thành chung, mảnh bằng mà thời ấy có thể mở cửa cho vào nhiều ngành công chức hạng trung như Tòa sứ, Kho bạc, Lục lộ, Giây thép, Thương chánh... thuộc chính phủ bảo hộ, hoặc ngành quan lại Nam triều, bắt đầu với chức vụ thừa phái.  Tuy chưa là gì cả, và chắc không bao giờ tôi dám tỏ ra "chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng", nhưng thái độ của bác xã trưởng Vy Thừa, qua cách xưng hô gọi tôi bằng thầy, đôi khi còn cường điệu kêu bằng "thầy tú", chứ không gọi thẳng tên "thằng Đức" như xưa nữa - vì bác xã là bạn với cha tôi, nên coi tôi vào hàng con cháu - tôi cảm thấy bác xã có vẻ nể nang mình.  Biết đâu đấy, tôi suy đoán theo lối nghĩ của bác xã - nó có thể trở thành một ông phán tòa sứ, được bổ nhiệm về tỉnh nhà, chắc bác có nhiều dịp cần đến sự giúp đỡ của tôi, khi có việc phải vào chốn công đường.  Viên Công sứ người Pháp, chắc chắn bác xã không khi nào được tiếp xúc, nhưng bác sẽ phải gặp các thầy phán, cụ Hường, cụ Thị, quan tham đầu tòa.  Thời đó là như vậy, vào những thập niên 40.
        Tôi ra Huế trở lại vào cuối tháng tám năm ấy để chuẩn bị dự kỳ thi thư ký tòa sứ Trung Việt, sắp sửa mở vào đầu năm dương lịch mới.  Không còn việc "sôi kinh nấu sử" để thi lấy bằng trung học Pháp nữa, mà qua bốn năm học ở ban thành chung, tôi đã phải gạo nào toán, lý-hóa, văn chương Pháp và văn học sử Pháp, sử-địa, viết luận văn, tất cả đều bằng tiếng Pháp lúc bấy giờ.  Giờ đây, với mảnh bằng thành chung trong tay, tôi không còn cái học từ chương nữa, nhưng là sự học thực dụng, học để kiếm gạo, theo một chương trình do cơ quan tổ chức kỳ thi ấn định sẵn, gồm các môn Địa-lý Đông dương, kế toán công, dân luật, và một bài dịch Việt Pháp.  Trong các môn thi này, môn Địa-lý Đông Dương là khó nhất, không phải vì khó hiểu, nhưng khó nuốt trôi một quyển sách Địa-lý Đông Dương của tác giả Agard dày cồm cộp, bằng nửa quyển tự điển Larousse và lớn bắng nửa tờ nhật báo.  Hơn nữa, sách này không có bán tại các hiệu sách của các thành phố Huế nhỏ bé này, chỉ được trưng bày trong một tủ sách của thư viện Bảo Đại, thư viện duy nhất ở Huế mở cửa cho công chúng vào xem hằng ngày từ một giờ trưa đến chín giờ tối.  Và chỉ có bảy quyển dành cho hàng nghìn độc giả của thư viện, trong đó khoảng một trăm thí sinh cư ngụ tại Huế như tôi, sẽ nộp đơn dự thi Thư ký Tòa sứ.  Mật ít ruồi nhiều, làm sao được.  Thế là tôi phải đặt một kế hoạch cho bản thân.  Trọ ở nhà một người bạn học, tại khu vực sân vận động thành phố, mỗi ngày tôi phải đạp xe khoảng trên năm ký-lô-mét để đến thư viện Bảo Đại nằm trong thành nội ở phía bên kia sông, thuộc tả ngạn sông Hương.  Thư viện là một tòa nhà cổ kính, xây trên nền cao hơn một mét, mái ngói chạy con lươn rồng phượng, đặt trên mấy hàng cột gỗ lim cao, láng bóng, xung quanh là lớp vách ván sơn son thép vàng, để hở phía trên cao, lồng một hàng kính trong suốt đưa ánh sáng vào thư viện, phần lớn dùng làm phòng đọc sách thoáng mát.  Do đó, mỗi ngày tôi phải cố gắng đến sớm ở thư viện, tranh thủ mượn cho được quyển Địa lý Agard, trong số những độc giả đầu tiên mượn quyển sách này, cũng thí sinh như tôi, để đọc tại chỗ.  Nắm được quyển điạ lý trong tay, tôi tìm đến một chiếc bàn vắng vẻ.  Thế là không còn biết trời trăng gì nữa, trong bầu không khí yên tĩnh của phòng đọc sách, tôi mở sách ra, sẵn giấy bút đem theo, tôi ghi lại tất cả những ý chính trong sách, bắt đầu từ trang thứ nhất, và chép như máy bằng một lối tốc ký riêng mà các học sinh, sinh viên chúng tôi, người nào cũng phải biết khi trên bục, giáo sư nói thao thao bất tuyệt tại giảng đường, còn mình cứ chép lia lịa, không có thời giờ xem lại những gì mình đã chép.  Mãi đến chín giờ tối, trí óc mệt nhừ, thân xác uể oải, tôi mới bước chân ra khỏi thư viện đúng giờ đóng cửa.  Thành phố đã lên đèn lúc nào tôi không hay biết, cứ cắm đầu đạp chiếc xe đạp cũ kỹ trong đêm tối mà ánh đèn đường không đủ sáng, xe đi lạng quạng suýt ngã, tôi len lỏi qua các hàng cây âm u trong thành nội để đi dần ra phía cửa Thượng Tứ, về hướng cầu Tràng Tiền, tiếng các cô hàng chè rong rao ngọt ngào trong vườn hoa Nguyễn Hoàng, nhiều khách thừa lương đi qua lại hóng mát, hoặc trò chuyện trên những chiếc ghế đá trong vườn hoa.  Tôi chẳng để ý đến ai, đạp một mạch lên cầu, gió từ mặt sông đưa lên mát rợi, nhiều con đò du khách nằm êm nhẹ trên những khúc sông xa vắng mịt mù, ánh đèn dầu leo lắt treo trước khoan thuyền, xa xa trông như những đóm sao lấp lánh trên sông.  Huế ban đêm không đủ sáng, bóng cây che khuất gần hết ánh đèn, chỉ còn vài vùng sáng rực rỡ, đó là khu phố Trần Hưng Đạo hoạt động buôn bán về đêm thuộc tả ngạn, và câu lạc bộ Pháp ở bên hữu ngạn, nơi có hoạt động thể thao và ăn chơi của kiều dân Pháp và một số người Việt Nam sống theo lối Tây Phương.  Còn lại, hầu hết đều mù mịt, chìm trong bóng đêm, nhìn lên thượng nguồn, nhìn xuống hạ lưu con sông, không thấy gì hết, chỉ là một khoảng không gian mênh mông, âm u vô tận.  Có ai biết chăng trong đêm nay một chàng học sinh trẻ tuổi đang cặm cuội đạp xe về nhà trọ, xa thành phố, như đang đi về cõi hư vô, lòng dạ nhớ nhà hết sức.  Mẹ ơi, con đang ở xa mẹ vô cùng, cô đơn và nghèo khổ.  Với số tiền hơn một chục bạc mẹ gởi cho con hàng tháng, con phải nhịn đủ thứ để sống qua ngày, mâm cơm nhà trọ nguội lạnh, đĩa muối vừng nhiều hơn đĩa cá, tô canh, phải ráng nuốt chờ ngày thi đậu, về quê.  Cứ như thế liên tục hơn nửa tháng, với lối chép tốc ký đặc biệt chỉ bản thân đọc được, tôi đã ghi chép toàn bộ quyển Địa lý Agard của thư viện.  Mừng hết sức, giờ chỉ còn việc học, tụng cho xong các môn cần thiết để chờ ngày thi.
    Cuộc thi được diễn tiến trong bốn buổi sáng tại trường trung học Khải Định, với những môn thi viết, không có thi vấn đáp.  Hội đồng chấm thi làm việc trong hai tháng, khoảng cuối tháng tư năm ấy tôi được chấm đậu cùng gần ba trăm người khác, trong số khoảng một nghìn thí sinh thuộc mười sáu tỉnh miền Trung.  Đó là kỳ thi thư ký tòa sứ lấy số người đậu đông nhất từ trước đến nay, nhằm trẻ trung hóa đội ngũ thư ký tòa sứ, để bổ sung cho tất cả các tòa sứ Trung Việt, có nhu cầu trầm trọng các công chức trẻ, năng động, có bằng trung học Pháp, phục vụ đắc lực hơn, hầu thay thế dần các cụ phán già đáo hạn tuổi về hưu trí.  Các cụ phán già này, lúc trước chỉ đậu bằng tiểu học Pháp Việt, sống lâu ra lão làng, nên nay đã mang phẩm hàm cụ Hường, cụ Thị, do bên Nam triều phong cho, nhưng không có năng xuất bao nhiêu.  Các ngành chuyên môn khác của bảo hộ như Công chánh, Thương chánh... cũng có mở hằng năm các kỳ thi tuyển dụng công chức.  Những sĩ tử hỏng các kỳ thi bên bảo hộ đều nhảy qua thi thừa phái ngạch Nam triều.  Vì bên Nam triều cũng có nhu cầu đổi mới, cần nhiều viên chức trẻ, có tây học để dễ dàng liên lạc tiếp xúc với các công sở của Pháp, đa số các quan lại Nam triều là các cụ Cử, cụ Tú nho, giỏi Hán học, nhưng không rành tiếng Pháp bao nhiêu.  Cũng nằm trong phong trào đổi mới ấy, chính phủ Nam triều từ nay có tổ chức các kỳ thi tri huyện, là người đứng đầu một quận huyện ngày xưa.  Các vị phụ mẫu chi dân này được tuyển chọn qua những kỳ thi tổ chức mấy năm một lần tại Huế, trong số các thí sinh tốt nghiệp cử nhân luật khoa.  Cuộc thi gồm có các bài thi viết và một bài thi hùng biện, nên các tân huyện quan đều rất có giá trị, xứng đáng để được chọn mặt gửi vàng.  Các ông Trần Chánh Thành, sau này có thời làm bộ trưởng Ngoại giao thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa, Cao Hữu Đồng, Hồ Tống, đều tốt nghiệp ở một khóa tri huyện này.
    Thi đậu tòa sứ, tôi đánh điện về Quảng để cha mẹ mừng, và mấy hôm sau đó, thu xếp hành lý xong, tôi đáp chuyến xe lửa tốc hành, lên ở ga Huế để về quê.  Mấy tháng về ở nhà, đi chơi dang nắng suốt ngày, tuổi thanh niên ăn uống không biết giữ gìn, nào đường, nào mía, cây trái trong vườn, nào xoài, mít, ổi, bòng, cậy mình còn trẻ, ăn uống gì cũng tiêu hóa, bệnh tật nào cũng lướt qua.  Do nhiễm trùng, tôi lên cơn sốt nặng, mắc bệnh thương hàn, nằm mê man bất tỉnh suốt bao nhiêu ngày.  Thời ấy, chưa có thuốc trụ sinh, nên bệnh thương hàn được coi là căn bệnh nan y, có thể đưa đến tử vong.  May nhờ có thầy tôi, ông bác ruột của tôi, và bác Thừa Tự, bạn của thầy, đều là những lương y nổi tiếng trong vùng, đã hội chẩn nhau bốc thuốc bắc cho tôi, khiến bệnh của tôi thuyên giảm dần.  Sau đó, tôi đi lại được, và bắt đầu ăn trả bữa.
    Khi tòa khâm sứ Pháp Huế đánh điện vào gọi tôi ra trình diện làm việc, tôi đã ăn uống biết ngon, nhưng vẫn còn ốm nhách, nước da vàng khè, chưa có một thoáng hồng hào hiện ra trên nét mặt.  Tuy thế, thầy mẹ tôi vẫn rất mừng, vì con được gọi đi làm, sau nhiều tháng chờ đợi ở quê nhà.  Huế và Quảng Ngãi xa nhau quá, không biết hỏi thăm ai ngày bổ nhiệm, khiến cho trong làng ngoài quận, người xấu dèm pha, có kẻ khuyên bóng gió cần phải chạy thầy chạy thuốc.  Riêng bản thân tôi vô cùng chán nản, vì trận đau làm tôi mất sức quá nhiều, tưởng không còn sống được nữa, nên tôi không tha thiết mấy đến việc đi làm, chỉ mong chóng được hồi phục sức khỏe mà thôi.  Mẹ dẫn sang tỉnh, thị xã  Quảng Ngãi thời ấy, đặt may cho vài bộ âu phục, mấy chiếc áo dài bằng lương đen, quần dài vải phin mới, và cho một ít tiền để ăn cơm tháng và tiêu vặt, chờ lãnh tháng lương đầu tiên.  Một niềm hân hoan hơn nữa đối với thầy mẹ, là tôi được bổ nhiệm tại tòa khâm sứ Huế ở Trung Ương, chứ không phải bị phân tán rải rác về mười mấy tỉnh của miền Trung như nhiều thí sinh khác.  Huế đẹp thật ! chỉ sau gần một năm xa cách, tôi trở lại nơi này.  Huế giờ đây hiện ra trước mắt tôi với một vẻ quyến rũ vô cùng.  Dòng sông Hương vẫn lặng lờ trôi qua dưới hai chiếc cầu, cầu Bạch Hổ phía thượng lưu để xe lửa chạy và cầu Tràng Tiền về phía hạ lưu cho xe hơi, xe đạp và người đi bộ.  Hai bên bờ sông, các hàng phượng vĩ đã hết mùa hoa nở - ngày tựu trường đến đã lâu rồi - và ve sầu cũng dứt tiếng ca chát chúa như lúc vào hè.  Nay tiết trời đã vào thu chuyển sang đông, đã có những trận mưa đông, báo trước những ngày lụt lội.  Đi trên cầu, nhìn những người qua lại, giờ đây tôi là một công chức trẻ tuổi, trong bộ âu phục mới, đôi giày da lộp cộp; mới đó mà đã qua thời kỳ học sinh trung học, chỉ có những chiếc áo dài đen trắng và đôi guốc gỗ quai da kéo bốn mùa.  Hai bên lề cầu, vẫn những nữ sinh Đồng Khánh, tóc thề xõa chấm bờ vai, chiếc áo dài vải phin trắng hơi cắt ngắn, chỉ buông xuống đầu gối, quần ống rộng, trông thật là xinh.  Nhưng không phải những học sinh đồng trang lứa với tôi, đây là những lớp mới lên, năm ngoái, năm kia còn học ở những lớp dưới, nay lên lớp thi tốt nghiệp, thay thế các bậc đàn chị đã tốt nghiệp năm vừa qua.
    Những người đi bộ nép theo hai bên lề cầu trái, phải, lòng cầu rộng rãi dành cho những chiếc xe tay (xe kéo) - thời ấy chưa có xe xích lô như bây giờ - các bác phu xe nón lá, áo cánh, quần đùi, khòm lưng kéo những người khách ngồi trên xe trông thật thoải mái, có khi chở thêm mấy thúng hàng hóa đặt dưới chân người khách, nối tiếp nhau xuôi ngược qua cầu.  Rất ít xe hơi, ngoài một số xe vận tải chở hành khách vào Nam hay ra Bắc, họa hoằn lắm mới có vài chiếc xe con của các viên chức người Pháp.  Còn các quan lại Nam triều và các viên chức Việt Nam thâm niên làm ở các công sở Pháp, các cụ Hường, cụ Thị, ngồi ngất ngưỡng trên những chiếc xe kéo nhà, màu đen bóng loáng, gọng đồng sáng chói, có đuôi tôm hoặc không có đuôi tôm, để phân biệt phẩm hàm và sự sang trọng khác nhau của vị khách ngồi trên xe; cũng như chiếc áo dài đen bằng lương, xuyến, hay đoạn, gấm hoa với khăn đóng, thẻ bài ngà to nhỏ đeo lủng lẳng trước ngực là biểu hiện cho chức quyền cao thấp.  Các quan tham, trong bộ âu phục chỉnh tề, ngồi ngay ngắn, dáng điệu gọn gàng hay bệ vệ tùy theo tuổi đời và thâm niên công vụ.  Cứ mỗi buổi sáng trong tuần, các bác phu xe nhà, áo quần tươm tất gần như đồng phục, xà cạp xanh quấn lên tận gối, chở các cụ phán già đeo kính trắng, áo dài, khăn đóng màu đen, hoặc các quan tham, âu phục, lần lượt hạ càng xe trước thềm tòa khâm sứ để các vị công chức vào sở làm việc, rồi kéo xe không trở về rước các tiểu thư đi học, các bà đi chợ, cảnh tượng trông rất quen mắt.  Cứ nhìn các cô ngồi trên xe là đoán biết ngay con gái vị nào: hai ái nữ cụ Thái Văn Toản từ trong thành đi ra, của cụ Ưng Bàng từ phía Gia Hội đi lên, xe tay chạy qua cầu Tràng Tiền, các cô ngồi trên xe, mái tóc buông lơi trên chiếc cổ trắng nỏn nà, hai chiếc đầu tóc đen ngồi bên nhau xoay qua lại, từ đằng sau nhìn tới trông như những con chim chích chòe, mình trắng đầu đen.  Công việc nhà xong, các bác phu xe nhà lại đi kéo xe đi đón quan về ăn cơm trưa, chiều lại đưa quan đến văn phòng làm việc trở lại, ngày hai buổi như thế, bước chân các bác mấy lần chạy thoăn thoắt trên cầu và trên các con đường phố Huế, để làm công việc đưa đón, các bác có nghĩ chăng đó là một hành động nô lệ của thời quan liêu phong kiến, hình ảnh con ngựa người ấy không còn tồn tại nữa với sự ra đời của chiếc xe xích lô.  Chỉ bọn thư ký trẻ chúng tôi, chưa có tiền sắm xe kéo nhà, nên đạp xe đi làm, trông mạnh dạn và thể thao hơn.
    Tôi vào làm việc tại sở Lưu Trữ Công Văn và Thư Viện Trung Kỳ, sở này trực thuộc tòa khâm sứ Huế trên phương diện quản lý và hành chánh, và về phương diện chuyên môn thì nằm trong hệ thống Thư Viện Đông Dương tại Hà Nội.  Vị giám đốc đầu tiên khi tôi mới ra làm việc là ông Ngô Đình Nhu.  Trong lệnh bổ nhiệm, tôi cùng một người nữa, anh Nguyễn Đình Khang, quê quán tỉnh Nghệ An, được phân phối về sở Lưu Trữ Công Văn và Thư Viện Trung Kỳ.  Năm ấy tôi vừa tròn hai mươi tuổi.  Khác với người bạn đồng nghiệp kia, mặc bộ âu phục màu nâu xẫm, sơ mi, cà vạt chỉnh tề, nói năng hoạt bát, ba hoa, chỉ phải dáng người hơi thấp và hàm răng hô, tôi không có vẻ gì là một công chức, mà là một anh thư sinh nửa quê nửa tỉnh, hiền lành, nhút nhát, gầy nhom, nước da xanh mét, hậu quả của bệnh thương hàn vừa qua.  Ông Ngô Đình Nhu rất trẻ, khoảng ba mươi tuổi, đã tốt nghiệp trường Thư Viện Pháp (École de Chartres) và cử nhân văn khoa Pháp - khoa sử - là vị giám đốc đầu tiên người Việt Nam, ngang hàng với các giám đốc người Pháp, và trực thuộc vị khâm sứ Pháp, ông Grandjean, thạc sĩ sử địa.  Khi chúng tôi vào trình diện, ông Nhu báo cho chúng tôi biết trước là sẽ đưa chúng tôi đi tu nghiệp thực tập tại Tổng Nha Văn Khố và Thư Viện Trung Ương Hà Nội thuộc phủ toàn quyền, để xác nhận kiến thức chuyên môn.  Hai chúng tôi, tiếp sau đó được phối trí vào hai ngành, tôi vào ban Văn Khố và Khang vào ban Thư Viện.  Đồng nghiệp của tôi là anh Hồ Văn Thuyên, thuộc lớp đàn anh, một thư ký tòa sứ đã lâu năm, ngày trước làm việc ở  tòa công sứ Pháp Sông Cầu, nơi mẹ tôi dạy học.  Anh Thuyên dáng người nho nhã, thanh thanh, hơi thấp, quê tỉnh Thừa Thiên, mà sau này tuy ít gặp nhau, tôi vẫn mến anh.  Thấy tôi vừa ốm dậy, anh để cho tôi làm công việc nhẹ trong mấy tháng, và học máy đánh chữ.  Sau đó, tôi học hỏi cách sắp xếp hồ sơ lưu trữ, rút tất cả kim găm đã sét rỉ bỏ đi, và loại bớt những bản phụ của các công văn đánh máy, chỉ giữ lại bàn chính có chữ ký và con dấu của giới chức ký tên, đồng thời sắp xếp các văn kiện theo thứ tự thời gian, mới trên, cũ dưới, và đánh số trang.  Mục đích để làm gọn nhẹ các hồ sơ lưu trữ, và dễ tìm.  Sau đó xếp tất cả vào một bìa hồ sơ in mẫu của Sở Lưu Trữ, cho mỗi hồ sơ một con số thứ tự, viết chữ lớn ở gốc trái bìa đựng hồ sơ, và cứ khoảng ba hay bốn chục hồ sơ đã hoàn tất đều cho vào một thùng cát tông lớn đặt đứng trên tủ gỗ nhiều ngăn, gần trăm chiếc như vậy chiếm cả từng lầu khu văn khố, tần dưới là thư viện, nơi anh Khang làm việc.  Các hồ sơ lưu trữ khi đặt vào hộp nằm trong tủ chỉ còn được biết với con số thứ tự của mình, và mỗi hồ sơ có một tấm phiếu nhỏ bằng bìa xếp trong các tủ phiếu.  Sau mấy tháng làm việc và học hỏi kinh nghiệm anh Thuyên, tôi đã nắm vững kỹ thuật sắp xếp hồ sơ lưu trữ của tòa khâm sứ Huế, cứ 5 năm một lần được đưa đến văn khố chúng tôi để lưu trữ và khai thác.  Ngoài ra, tôi còn đọc các văn thư, các bản thông tư, các bản phúc trình, báo cáo, do các ban ngành soạn thảo, cũ đã nhiều năm, để học hỏi cách hành văn, hành chánh Pháp, đơn giản, ngắn gọn, trong sáng, mạch lạc, viết đúng, việc này sẽ có ảnh hưởng rất tốt về sau trong cuộc đời công chức và quân đội của bản thân tôi. Cùng làm việc với tôi và anh Thuyên, còn có cụ phán, thường được gọi là cụ Thị L, do phẩm hàm Thị Độc Học Sĩ của  cụ, một cụ phán già, cũng có thời làm việc ở Sông Cầu, chỗ quen biết với thầy mẹ tôi lúc trước.  Tính tình cụ phán L dễ nóng giận bất tử, nói năng bèm nhèm, mỗi lần nóng giận, cụ phùng mang, trợn mắt, người cụ cao lớn, tay đập thình thịch, trông như Từ Hải chết đứng giữa trận tiền, anh Thuyên tuy nhỏ người nhưng hay thích châm chọc cụ.  Tuy ít thân với cụ, nhưng tôi vẫn kính trọng cụ, vì cụ quen biết với cha mẹ tôi, và Trí, con trai lớn của cụ là bạn học của tôi lúc ở Sông Cầu.
    Thấy tính tôi hiền lành, ít nói, suốt ngày cần cù làm việc, ông Nhu thường giao cho tôi những công tác cực nhọc, như sắp xếp lại ngăn nắp kho chứa các loại công báo của tòa khâm, bỏ xó lâu ngày không ai săn sóc.  Nào "công báo Đông Dưong" đã đóng bìa cứng gáy da, gáy vải, "tập san hành chánh Trung kỳ" cũng đã đóng thành tập, đánh theo số năm tháng, nhiều số báo rời, nằm vươn vải thành từng đống trên sàn nhà, nào các hồ sơ linh tinh đủ loại, nằm lẫn lộn với các công báo, tôi phải mất cả tuần lễ mới phân loại, sắp xếp xong, để tạo cho mình những đức tính của người công chức ngành văn khố và thư viện là cần cù lao động không mệt mỏi, chịu ngửi bụi thời gian bám đầy trong  những chồng báo cũ; những tập hồ sơ đủ loại, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, thì đó là những tài liệu lịch sử quý giá, liên quan đến việc bang giao Việt Pháp.  Trong thời gian tôi làm việc tại kho giấy cũ, ông Nhu thỉnh thoảng đến để kiểm tra công việc, có khi đích thân ông tự tay khuân vác các chồng báo cũ, sắp theo ý mình để tôi bắt chước, ông im lặng lao động rồi ra về không nói một lời.  Nhưng có một hôm đứng xem tôi lao động, ông Nhu hỏi tôi bằng một câu tiếng Pháp: "Anh có gởi chút đỉnh gì về cho mẹ anh không?"  Tôi trả lời: "Dạ có, thưa ông giám đốc".  Ông nói thêm: "Hãy cố gắng vươn lên, đừng có ở mãi chân thư ký suốt đời".  (Envoyez vous quelque chose à votre maman?  Tâchez de vous élever, ne restez pas secrétaire toute votre vie).  Câu nói ấy đã khiến cho tôi rất cảm động, nói lên lòng hiếu thảo - ông Nhu rất có hiếu đối với mẹ - vừa động viên tôi, đã tác động đến tâm hồn tôi lúc bấy giờ, là một phương châm hướng dẫn tôi trong suốt cuộc đời.  Tuy về sau tôi ít có dịp được gặp ông Nhu, vì ông được đổi ra Hà Nội làm Tổng Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Trung Ương thay thế cho ông P. Boudet người Pháp bị trả về chính quốc sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền.  Những năm sau này, tôi vào quân đội và được đổi vào Sài Gòn làm việc, và ông Nhu sau nhiều năm lận đận, đã thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản vào Sài Gòn làm báo, rồi giữ chức vụ Cố vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hòa.  Tuy làm ở Bộ Quốc Phòng 63 Gia Long, sát nách Phủ Tổng Thống, tôi không bao giờ được gặp ông nữa, và cũng không bao giờ lấy lý do thầy trò cũ để nhờ cậy, hoặc xin ông Cố vấn một ân huệ gì, vì lòng tự trọng không biết nịnh hót, và tính tình nhút nhát của tôi.  Duy một lần tôi nghe nói ông có nhắc đến tên tôi, hỏi tôi hiện giờ làm gì ở đâu, khi nghe anh Chi bạn đồng nghiệp cũ của tôi tại Sở Lưu Trữ Công Văn và Thư Viện Trung kỳ lúc trước, cũng là đệ tử cũ của ông, vào trình diện ông Cố vấn trước khi đi nhậm chức tỉnh trưởng Phú Bổn.  Cho mãi đến giữa năm 1963, tôi mới được nhìn thấy lại ông Nhu lần đầu tiên và cũng là lần chót, khi ông Cố vấn Tổng Thống đến chủ tọa một buổi lễ mãn khóa chiến tranh chính trị cấp đơn vị trưởng, chúng tôi là sĩ quan cấp tá trong khóa học, được Trung tướng Trần Văn Đôn, tham mưu trưởng liên quân lúc bấy giờ hướng dẫn, từng người một lần lượt đến trước bàn vị chủ tọa trình diện ông Cố vấn.  Chẳng biết ông còn nhớ mặt tôi hay không, trong công việc quốc sự đa đoan đè lên đôi vai gầy, nét mặt nhiều suy nghĩ của ông đã già đi qua bao năm tháng, ông có nhớ đến người thư ký trẻ, tuổi hai mươi, vẻ còn con nít cách đây trên hai chục năm đã làm việc dưới quyền ông và đã được ông khuyên dạy một câu nhớ đời.  Tuy ông Ngô Đình Nhu đã bị giết trong cơn chính biến tháng 11 năm 1963, cùng với bào huynh của ông là Tổng Thống Ngô Đình Diệm.  Hai anh em ông có tội hay có công với Tổ quốc, việc này đã đi vào lịch sử, nhưng những năm tháng làm việc dưới quyền ông tại sở Lưu Trữ Công Văn và Thư Viện Huế đã đào tạo cho tôi tác phong của một viên chức ngành thư viện, với đức tính cần cù lao động, không ngại bụi bặm, với tấm lòng hiếu học, ham thích đọc sách, và trân trọng sách báo mình đang có trách nhiệm bảo quản.  Nét mặt khắc khổ, nghiêm nghị của ông, cũng như khả năng văn hóa của ông đã khiến cho một chàng thư ký trẻ như tôi, kính vì nết, trọng vì tài.  Ngày ông Nhu cưới vợ, chúng tôi đã được mời đến dự bữa tiệc tại tư thất của ông bà, một villa cổ kính vùng An Định, nơi có nhà thờ Phú Cam lớn.  Bà Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, ái nữ của vị luật sư lão thành Trần Văn Chưong tại Hà Nội - đã đích thân rót rượu mời chúng tôi uống, cùng nhâm nhi các món khai vị của miền sông Hương núi Ngự.  Lúc mới cưới, hai ông bà thường đưa nhau đến xem nơi chúng tôi làm việc, tôi còn nhớ người bà thấp nhỏ, mặc chiếc áo hàng màu xanh da trời, chiếc khăn châle mỏng, đôi giày cao gót, ăn mặc đúng mốt Hà Nội.  Tiếng giày bà lốc cốc lên cầu thang như hòa nhịp với bước chân người chồng giày da lộp bộp, từng bước chậm rãi đi vào.  Ông Nhu thường đi đến sở với chiếc xe đạp mecadura sáng bạc.
    Lời khuyên của ông Ngô Đình Nhu lúc tôi mới ra đời làm việc đã ảnh hưởng không ít đến cuộc đời của tôi.  Tôi đã phấn đấu rất nhiều để vươn lên trong ngành công chức, để không còn dậm chân tại chỗ với chức vụ thư ký suốt cả cuộc đời.  Khi vào quân đội, tôi đã cố gắng học thêm đôi chút để trau dồi trí tuệ, trèo lên cao trên chiếc thang cấp bậc, được những chức vụ tương đối khá quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp.  Nhưng tất cả những thứ đó để làm gì?  Tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, bằng cấp, tất cả đều như đã cuốn theo chiều gió sau ngày 30-4-1975.  Một trang lịch sử đã được lật qua.  Mọi việc đều đã trở thành dĩ vãng, nhiều nhân vật đương thời, kẻ còn, người mất nay đã qua rồi.  Đời tôi cũng sẽ trôi qua và chấm dứt.  Mọi thứ trên đời này đều giả dối, vô nghĩa và phù du.  Đâu rồi người xưa, cảnh cũ.  Còn đâu nữa, những cảnh cùng nhau miệt mài đèn sách để mong thi đậu một chứng chỉ, một mảnh bằng, còn đâu nữa những ngày chờ đợi xem có tên mình trúng tuyển vào ngạch công chức cao hơn, hoặc trong danh sách những người thăng cấp trong quân đội, hoặc hồi hộp sung sướng để đi đến buổi hẹn với người yêu.
    Giờ đây chỉ còn lại những kỷ niệm trong bóng xế của cuộc đời. Gợi lại những kỷ niệm ấy trong vui buồn lẫn lộn.  Những bạn cũ của tôi ở Huế, lúc tôi mới ra đời làm việc.  Các anh Thuyên, anh Phố, anh Châu, anh Sung, và các anh khác, giờ này các anh ở đâu?  Còn sống hay đã hóa ra người thiên cổ.  Tôi nhớ đến tất cả các anh.  Ngoài kia trời đang mưa, trong gió lộng, một chiều thu.
Đức Nguyên

Sông êm như thuở còn tươi mát

Mười tám xuân nghiêng nón đợi chờ
Vi Khuê

Lễ Tưởng Niệm lần thứ 48 Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm
Saturday, November 05, 2011 6:27:16 PM
Bookmark and Share





Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER (NV) -Khoảng gần 500 đồng hương người Việt ở Nam California dự lễ Tưởng Niệm lần thứ 48 Cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm vào trưa 5 tháng 11 tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ trong thành phố Westminster.


Quân Dân Cán Chính VNCH làm lễ tưởng niệm Cố TT Ngô Ðình Diệm trước tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
Năm nay, đứng tổ chức buổi lễ này là giới trẻ thuộc Giới Trẻ Công Giáo (Nguyễn Mạnh Chí), Tổng Hội Sinh Viên Nam California (Lý Vĩnh Phong), Viêtnamese Young Marine (Nguyễn Thu Hà), anh Nguyễn Long trong cộng đồng người Việt Los Angeles, Ðoàn Thanh Niên Cao Ðài và Ðoàn Thanh Niên Phan Bội Châu.
Sau lễ rước Quốc Quân và Lệnh Kỳ khá long trọng, ông Nguyễn Mạnh Chí đại diện cho ban tổ chức lên chào và nhấn mạnh đến việc tuổi trẻ trong ít năm gần đây đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm tổ chức lễ Tưởng Niệm Cố TT Ngô Ðình Diệm hàng năm. Ðó là vì, theo ông, “tuổi trẻ đã nhận biết được công lao và đức độ của một người lãnh đạo quốc gia đã bị thảm sát vì sự quyết tâm bảo toàn sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.” Ông Chí đã nhắc lại những lời nói của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, thể hiện “sự cương trực, lòng yêu nước và đặt giá trị con người làm cứu cánh phục vụ qua chủ thuyết Nhân Vị.”
Tiếp đó ông Chí giới thiệu một “chúng nhân lịch sử” cho sự bảo toàn lãnh thổ của cố tổng thống. Ðó là cựu Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, người được ban tổ chức mời làm chủ lễ buổi Tưởng Niệm, khi ấy mới là trung úy chỉ huy một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đã được lệnh của cố tổng thống lệnh cho “bằng mọi giá phải chiếm lại đảo Doncun trong quần đảo Hoàng Sa.”
Cựu Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu đã lên diễn đàn cho biết ông được lệnh của Trung Ương đã dẫn một đơn vị nhỏ Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ vào đảo Doncun và sau một cuộc hành quân chớp nhoáng, đã bắt được 60 lính Trung Cộng giả dạng ngư dân và đã hạ ngọn cờ Trung Cộng, chiếm lại đảo này. Cựu Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu xác nhận quyết tâm của Cố Tổng Thống Diệm trong việc bảo toàn lãnh thổ. Trong thời gian này thì phía nhà cầm quyền miền Bắc, Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng đã gửi văn thư nhận chủ quyền của Trung Cộng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tiếp đó, cựu đại tá chủ lễ đã nhắc đến công lao của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, người đã đưa đất nước VN lên ngang hàng với các nước Ðông Nam Á và đã đưa dân tộc VN thoát khỏi ách thực dân Pháp, ổn định tình trạng sứ quân do thực dân Pháp nuôi dưỡng để cai trị, đưa cuộc sống của người dân miền Nam VNCH tới tình trạng sung túc trong một xã hội được phát triển mọi mặt về giáo dục, kinh tế, xã hội dù là đang phải đối đầu với cộng sản. Chính vì lòng yêu nước và sự quyết tâm bảo toàn lãnh thổ, giữ vững độc lập, tự do mà cố tổng thống đã phải nhận lãnh cái chết thảm. Kết thúc bài diễn văn, Cựu Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu đã kêu gọi người Việt hãy noi theo tinh thần Ngô Ðình Diệm trong việc bảo toàn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền để chúng ta sẽ quay về dựng lại cờ Vàng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ tọa buổi lễ năm nay là Giáo Sư Lưu Trung Khảo. Với khăn đóng áo dài gấm đỏ, giáo sư đã trịnh trọng đọc một bài diễn văn kể lại công đức của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mà giáo sư coi sự lãnh đạo đất nước vào thời gian đó của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm như “một phép lạ,” một “Ðinh Bộ Lĩnh của thế kỷ 20” nhưng đã bị “một bọn côn đồ đáng nguyền rủa theo lệnh của Kennedy” sát hại.
Vẫn theo Giáo Sư Lưu Trung Khảo thì nay, dòng lịch sử đã trôi qua, các thế hệ sau đã có được cái nhìn trung thực, biết đến công lao của người đã dựng nên nền Cộng Hòa Việt Nam, đưa đất nước VN sánh vai cùng các nước phát triển ở Ðông Nam Á. Một vài nơi đã dựng tượng Cố TT Ngô Ðình Diệm như ở Lausanne, Thụy Sĩ. Và điều vui mừng là các giới trẻ đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm tổ chức lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống để noi theo được tinh thần yêu nước, bảo toàn lãnh thổ của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.


Màn ca diễn “Về Miền Nam” của ban hợp ca Xuân Ðiềm phụ diễn buổi lễ đã làm xúc động nhiều người tham dự.
Sau những phần diễn văn của buổi lễ, 10 tổ chức đoàn thể Quân Cán Chính VNCH đã dâng những vòng hoa tưởng niệm lên trước bàn thờ Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm được đặt dưới chân Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Ðó là các vòng hoa của Ban Tổ Chức, của Cộng Ðồng Nam California, của Cộng Ðồng San Diego, của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, của Giáo Phận Orange County, của Hội Thân Hữu Lực Lượng Ðặc Biệt, của Ðồng Hương Bình Giả, của Thanh Niên Cao Ðài-Tổng Hội Sinh Viên-Thanh Niên Phan Bội Châu và của Gia Ðình Cựu Học Sinh Di Cư 1954.
Góp tiếng hùng ca trong suốt buổi lễ là ban hợp ca Xuân Ðiềm. Bài hợp ca “Về Miền Nam” của Trọng Khương được hát nhiều nhất trong những năm đầu của nền Ðệ I Cộng Hòa nay được ban Xuân Ðiềm ca diễn lại bên hình ảnh cầu Hiền Lương khiến nhiều người tham dự phải bồi hồi nhớ lại cảnh di cư trốn chạy cộng sản năm nào.
Buổi lễ cũng được Hội Ðền Hùng cử hành phần tế lễ long trọng theo những nghi thức cổ truyền.
Ðến gần 2 giờ chiều lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chấm dứt.



































No comments:

Post a Comment