Wednesday, October 5, 2011

Sơn Tây


Các chính khách Hoa Kỳ hiện nay, nhiều người đã tham dự cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam, chống lại sự bành trướng của Chủ Nghĩa Cộng Sản, cụ thể là bảo vệ tự do, dân chủ cho người dân của Việt Nam Công Hoà.
Trong số đó, nổi bật các Thượng Nghị Sĩ McCain, Jim Webb và cựu TNS, cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở VN là ông Peter Peterson. Nhiều công dân ưu tú của Hoa Kỳ đã bị cầm tù, hành hại trong các trại tù Cộng Sản ở miền Bắc.
Đã có 58,000 công dân Hoa Kỳ đã hy sinh trên các chiến trường ở VN.
Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh phát biểu “Chúng ta mắc nợ 58,000 quân nhân đó, mắc nợ nước Mỹ, tuy họ không đòi nhưng chúng ta nên nhớ và có bổn phận phải trả”.
Cuộc hành quân của Biệt kích Hải quân Hoa Kỳ vào Abbottabad, Pakistan để xử tội tên trùm khủng bố Bin Laden, là một cuộc hành quân táo bạo và phi thường, khiến cho người ta nhớ đến cuộc đột kích vào Sơn Tây, Bắc Việt Nam, để giải cứu tù binh Hoa Kỳ năm 1970.
Đột kích vào Sơn Tây là một kế hoạch đuợc tổ chức hết sức công phu và tốn kém, với sự tham gia của nhiều viên chức cao cấp trong bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, giám đốc CIA Richard Helms.
Đích thân Tổng thống Richard Nixon phê chuẩn kế hoạch nầy.
Đột kích Sơn Tây vô cùng táo bạo, liều lĩnh và nguy hiểm nhất, bởi vì địch đã cảnh giác cao độ trong tình trạng thường xuyên bị không tập từ năm 1965 đến 1968 và vì mạng lưới hỏa tiễn phòng không dày đặc của Hà Nội.
1* Cuộc đột kích
Vào lúc 2 giờ 18 phút rạng ngày 21-11-1970, lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ do Đại tá Arthur Simons chỉ huy, đã có mặt tại trại giam tù binh HK ở Sơn Tây.
Trước hết Trung tá phi công Herb Zehnder, chở toán xung kích do Đại úy Richard J. Dick Meadows chỉ huy, đã đáp xuống sân trại tù, nhưng chiếc trực thăng vướng vào sợi dây phơi quần áo, cánh quạt chặt đứt một thân cây rồi rớt mạnh xuống đất.
Đại úy Meadows cho biết, viên kỹ sư cơ khí Leroy Wright bị bình chữa lửa trên trực thăng đập vào chân làm bể mắt cá. Trung úy George Petrie, 31 tuổi thuộc Mủ nồi xanh, bị hất tung ra khỏi trực thăng. Ngoài ra, không có ai bị thương cả.
Lập tức, cả nhóm nhảy ra khỏi trực thăng và bắn hạ những tên lính gác. Đại úy Meadows chạy vào khu nhà, vừa nói qua loa phóng thanh cầm tay “Chúng tôi là quân nhân Mỹ đến cứu các bạn đây. Tất cả nằm xuống tránh đạn. Chúng tôi sẽ vào ngay”.
Thế nhưng không nghe được một tiếng trả lời nào cả. Trại vắng tanh.
Trong khi đó, Trung tá phi công John A. Allison cho trực thăng chở toán yểm trợ do Trung tá Elliott P. Sudnor chỉ huy, đáp xuống bên ngoài vòng tường, vỉ sân bên trong rất hẹp, không đủ chỗ cho hai chiếc trực thăng. Thượng sĩ Herman Spencer dùng chất nổ phá thủng bức tường, nhóm yểm trợ chạy vào tiếp tay với nhóm xung kích đang tiến vào lục soát các căn nhà.
Trung sĩ Tyrone J. Adderly dùng súng M-79 khoá miệng một ổ súng máy ở vị trí nguy hiểm nhất.
Cũng vào thời gian nầy, Trung tá phi công Warren A. Britton, chở toán quân do Đại tá Arthur Simons chỉ huy, cho trực thăng đáp xuống vị trí ấn định, rồi liền cất cánh lên cao. Thế nhưng cả toán bị thả lộn vào trường trung học được lấy làm bộ chỉ huy sư đoàn 12 với 12,000 quân trú đóng gần đó.
Thấy cảnh trí lạ hoắc, Đại tá Simons biết là đã sai địa điểm, nhưng trực thăng đã bay lên rồi, cho nên phải quyết tử chiến thôi.
Nghe tiếng động, bộ đội CS túa ra trong tình trạng hoảng hốt, đang mặc quần xà lỏn, áo thun và tay không.
Đại úy Wather bắn gục 3 tên. Đại tá Simons nhảy xuống giao thông hào, đụng phải một bộ đội đang ngơ ngác kinh ngạc, trong tíc tắc, tên nầy bị hạ tại chỗ. Trong khoảng 10 phút, cả toán hạ khoảng 100 bộ đội.
Phi công biết đổ quân sai vị trí, bèn trở lại đón và đưa cả toán về trại tù Sơn Tây.
Có khoảng 50 bộ đội bị hạ ở trại tù Sơn Tây. Toán đặc nhiệm lục soát, tìm các đường hầm, không thấy tù binh nào cả.
Toán quân cảm tử rút lui sau 29 phút đáp xuống mặt đất. Đại úy Meadows dùng chất nổ phá hủy chiếc trực thăng bị nạn rồi rút.
Sau cuộc hành quân, toán đặc nhiệm mới biết là tù binh đã được di chuyển ra khỏi Sơn Tây hồi đầu tháng 7 năm 1970 vì vùng nầy bị cơn ngập lụt đe dọa.
Tuy không cứu được tù binh, nhưng cuộc đột kích được đánh giá là không hoàn toàn vô ích. Vì Hà Nội biết được rằng HK rất quan tâm đến tù binh Mỹ, cho nên đã thay đổi cách đối xử, dùng tù binh làm lợi khí trên bàn hội nghị ở Paris. Và tù binh sau đó được dễ chịu hơn.
Khi được biết vụ đột kích Sơn Tây, tinh thần các tù binh phấn khởi hơn vì biết rằng đất nước HK không quên họ. Và họ an lòng, “học tập tốt, lao động tốt” với hy vọng là sẽ được sớm về đoàn tụ với gia đình.
2* Trại tù Sơn Tây
Năm 1967, Ủy Ban Tù Binh Liên Cơ Quan được thành lập, do cục Tình báo Bộ Quốc Phòng (DIA) quản lý. Đã tiến hành điều tra, thu thập tin tức về tù binh Mỹ ở Việt Nam.
Vào mùa Xuân năm 1970, được biết có khoảng 450 tù binh HK bị giam giữ ở miền Bắc VN và có 970 quân nhân bị mất tích trong các cuộc hành quân.
Tin tức tình báo cho biết, có khoảng 55 đến 70 tù binh Mỹ ở nhà tù Sơn Tây.
Trại giam Sơn Tây là một địa điểm rất nhỏ, nằm dưới những tàng cây cao 40 ft (12m), che khuất tầm nhìn. Chỉ có một trụ điển và đường dây điện thoại chạy vào trại giam. Những tù binh bị giữ trong 4 căn nhà. Có 3 vọng gác cao để quan sát. Bức tường bao bọc chung quanh cao 7 ft (2m).
Khu nhà rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho một trực thăng đáp xuống mà thôi. Không ảnh cho thấy, có một trường huấn luyện pháo binh trong khu vực. Sư đòa 12 với trên 10,000 quân đồn trú ở đó. Một trường trung học được xử dụng làm bộ chỉ huy sư đoàn. Cách nhà tù Sơn Tây 32 km là một căn cứ không quân.
Trong tình trạng hỏa lực như thế, cuộc đột kích cứu tù binh phải được thực hiện chớp nhoáng.
3* Kế hoạch hành quân
3.1. Dự thảo kế hoạch
Năm 1970, Thiếu tướng Donald Blackburn, cựu Chỉ huy trưởng MACV-SOG (Military Assistance Command Vietnam – Studies Oservations Group), là người đưa ra ý kiến, tổ chức một cuộc đột kích để cứu tù binh bị giam ở nhà tù Sơn Tây. Kế hoạch tổng quát được trình lên Tổng Tham Trưởng Liên Quân là Đại tướng Earle Wheeler.
Tháng 6 năm 1970, kế hoạch được chấp thuận, và một toán gồm 15 chuyên viên tình báo được cử vào để soạn thảo chi tiết của kế hoạch. Ngày 8-8-1970, một lực lượng chính thức được thành lập, mang tên là Chiến dịch “Bờ biển Ngà (Operation Ivory Coast), dưới quyền chỉ huy của Tướng D. Blackburn.
Những không ảnh cho thấy một chữ “K” thật to được vẽ trên mặt đất của trại Sơn Tây. Có nghĩa là “Come get us”, hãy đến cứu chúng tôi. Ở trại tù Ấp Lỡ, cách Sơn Tây không xa, không ảnh chụp được chữ SAR (Search and Rescue), với mũi tên chỉ số 8, cho biết khoảng cách từ nhà tù đến chỗ “lao động”.
3.2. Tổ chức và huấn luyện
Thiếu tướng Donald D. Blackburn chọn Đại tá Arthur D. “Bull” Simons làm trưởng toán. Đại tá Simons đến căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt Fort Brag để chọn 100 người trong số 500 tình nguyện. Đại úy Richard J. Dick Meadows được chọn chỉ huy toán tấn công vào trại tù Sơn Tây để cứu tù binh.
3.3. Giờ hành động
Đêm 18-11-1970, đội Đặc nhiệm được đưa lên phi cơ vận tải C-141. 56 cảm tử quân đã không còn mặc quân phục hay mang phù hiệu của đơn vị nữa. Họ được đưa đến phi trường Thakhi, Thái Lan. Trước khi xuất phát, họ mới được cho biết cuộc đột kích bí mật nầy là để giải cứu các tù binh Mỹ trong trại tù Sơn Tây.
Theo kế hoạch, nhóm biệt kích lên các trực thăng HH-53 tại căn cứ Không quân Udorn, Thái Lan, bay qua Lào rồi vào Sơn Tây.
3.4. Mở cuộc không tập đánh lạc hướng
Để đánh lạc hướng, một cuộc không tập vào cảng Hải Phòng miền Bắc VN được tổ chức đồng thời với cuộc đột kích.
10 chiếc F-4 Phantom ra nghênh chiến với mấy chiếc MiG đang bay tuần tiểu. Trong khi đó, một chiếc F-5 Wild Weasel tấn công các vị trí hỏa tiễn phòng không. 5 chiếc A-1 Skyraider tấn công các căn cứ quân sự.
4* Các chiến dịch không tập miền Bắc Việt Nam
Các tù binh binh Mỹ hầu hết là những sĩ quan, phi công của những chiến đấu cơ bị bắn hạ trong những cuộc không tập Bắc Việt trải qua 5 chiến dịch trong suốt cuộc chiến ở Việt Nam.
4.1. Chiến dịch Mũi tên xuyên (Operation Pierce Arrow)
Là chiến dịch không kích Bắc Việt, bắt đầu ngày 5-8-1964, mục đích trả đủa vụ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Chiến dịch do KQ và HQ Hoa Kỳ thực hiện với những chiếc phi cơ F-8 Crusade, A-1 Skyraider, A-4 Skyhawk, từ 2 Hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga và USS Constellation, từ biển Đông bay vào, thực hiện 64 lượt đánh phá Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Quảng Bình.
Phá hủy 25 tàu tuần tiểu, 7 hệ thống phòng không, tiêu hủy kho xăng dầu ở Vinh.
2 phi cơ Mỹ bị bắn rơi. 1 phi công thiệt mạng, 1 bị bắt là Trung úy HQ Everett Alvarez. Bị bắt ngày 5-8-1964, đã sống 2,120 ngày trong tù, tính đến ngày 20-5-1970.
4.2. Chiến dịch Flaming Dart
Bắt đầu ngày 7-12-1965. Mục đích trả đủa việc tấn công của VC vào căn cứ Không quân HK ở Pleiku. Các phi cơ oanh kích Đồng Hới (Quảng Bình), Cồn Cỏ (Vinh)
4.3. Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder)
Chiến dịch kéo dài từ ngày 2-3-1965 đến 1-11-1968. Mục đích:
- Ép Hà Nội ngừng xâm nhập miền Nam VN
- Phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở công nghiệp, các lực lượng phòng không
- Ngăn chặn nguồn tiếp tế vũ khí của CSBV đưa vào miền Nam.
Kết quả
Tổn thất phía CSBV:
20,000 quân bị tiêu diệt
139 phi cơ
38 dàn hỏa tiễn
2,418 pháo phòng không
Tổn thất phía Hoa Kỳ:
835 quân nhân bị bắt, mất tích và chết. (222 bị bắt làm tù binh)
2,251 chiến đấu cơ bị bắn hạ
4.4. Chiến dịch Linebacker 1
Bắt đầu ngày 16-4-1972.
- Ném bom miền Bắc
- Thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng
- Ngăn chận sự “chi viện” từ Trung Cộng và Liên Xô.
Hà Nội bị tấn công bất ngờ. Hạ tầng cơ sở bị tàn phá nặng nề.
Hoa Kỳ có 34 chiếc B-52 và 4 chiếc F-111 bị bắn hạ.
Nhiều phi cơ các loại bị hạ. Nhiều phi công bị bắt làm tù binh.
Chiến dịch nổi bật nhất là chiến dịch Linebacker II.
4.5. Chiến dịch Linebacker II
Ngày 15-12-1972, đàm phán Paris bế tắc do Lê Đức Thọ rời bỏ phòng họp. Tổng thống Nixon buộc Bắc Việt phải trở lại bàn hội nghị và đàm phán nghiêm chỉnh, bằng chiến dịch ném bom 12 ngày đêm trong dịp Giáng Sinh năm 1972.
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 18-12-1972 đến 30-12-1972. Đó là chiến dịch mang tên
Linebacker II. Và sau đó, Lê Đức Thọ trở lại bàn hội nghị Paris.
4.5.1. Lực lượng Hoa Kỳ
- 197 B-52 trên tổng số 400 chiếc của HK
- 1,077 phi cơ chiến thuật, trên tổng số 3,041 chiếc
-6 Hàng không mẫu hạm, trên tổng số 24 chiếc.
741 phi vụ B-52 rải thảm
3,920 lượt ném bom chiến thuật.
Tổng cộng 15,000 tấn bom thả xuống 18 địa điểm, là các mục tiêu công nghệ, quân sự, các ổ phòng không, các dàn hỏa tiễn SAM, nhà ga, bến cảng, cầu cống, phi trường, trạm phát điện, đài phát thanh…
Thả bom liên tục suốt ngày đêm, trừ ngày Lễ Giáng Sinh năm 1972.
Mỗi chiếc B-52 trang bị 66 quả bom 750 pounds hoặc 108 quả 500 lbs, chủ yếu là tấn công Hà Nội, Hải Phòng.
Không Lực HK dùng phi cơ tác chiến điện tử, gây nhiễu để vô hiệu hoá Radar điều khiển là SAM SA-2 của Liên Xô. (SAM=Surface-to-Air-Missile)
Hoa Kỳ quyết đưa Hà Nội trở lại “Thời kỳ đồ đá”. HK tấn công vào các ga, bến cảng, đuờng sắt, đường bộ, kể cả việc thả mìn ở cảng Hải Phòng, mục đích ngăn chận việc tiếp tế vũ khí từ Trung Cộng và Liên Xô chuyển sang.
4.5.2. Lực lượng của Cộng Sản Bắc Việt
- 334 hỏa tiễn SA-2 được phóng đi.
- 2,036 đạn pháo 100 ly
- 15,669 viên đạn 57 ly
- 19,450 viên đạn 37 ly
- 1,147 viên đạn 14.5 ly.
Kết quả
• Cộng Sản tuyên bố:
Trong 12 ngày đêm đã bắn hạ:
34 chiếc B-52
47 phi cơ các loại.
49 quân nhân HK bị bắt làm tù binh.
• Hoa Kỳ tuyên bố:
20 chiếc B-52 bị bắn rơi ở VN, Lào.
5 chiếc B-52 bị hư hại trung bình
103 phi cơ chiến thuật bị bắn hạ
76 phi công bị bắt làm tù binh, trong đó có 59 phi công lái B-52.
4.5.3. Diễn tiến từng ngày đêm của cuộc không tập
Thông thường, Hoa Kỳ đánh bom 3 đợt trong 24 giờ.
Đêm 18 rạng 19-12-1972.
19 giờ 44 phút
Các tốp B-52 đầu tiên oanh kích các sân bay Nội Bài, Hoà Lạc và các nhà ga Yên Viên, Đông Anh, Cổ Loa. Sân bay Nội Bài bị phá hỏng đường băng, phi cơ không cất cánh được.
Lực lượng CSBV phóng 15 hoả tiển SAM, nhưng không hạ được chiếc B-52 nào cả.
20 giờ 13 phút
Tiểu đoàn Hỏa Tiễn 59, bắn hạ 1 B-52. 3 phi công nhảy dù ra bị bắt. 3 chết.
20 giờ 16 phút
Một B-52 bị trúng đạn ở Nghệ An. Phía HK xác nhận phi cơ nầy không bị bắn rơi.
Ngày 19-12-1972
Hoa Kỳ tấn công Hà Nội 3 đợt.
B-52 xuất kích bỏ bom 129 lần
Phi cơ chiến thuật xuất kích 163 lần, không kích Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây.
Phía CSBV tuyên bố bắn hạ:
- 3 chiếc B-52.
- 4 chiếc phi cơ chiến thuật các loại: A-7, F-111, F-4J
- 5 phi công nhảy dù ra bị bắt, trong đó có Đại úy James Carne, lái chiếc A-7C. Một số tử thương.
Ngày 20-12-1972
- 99 phi vụ B-52
- 100 phi vụ phi cơ cường kích (tấn công mặt đất) đánh vào Hà Nội, Hải Phòng tại các vị trí hỏa tiễn phòng không. Chỗ yếu của hỏa tiển SA-2 là phải có bệ phóng cố định, cho nên không chạy khỏi bị ăn bom.
23 giờ ngày 20-12-1972, HK hủy bỏ đánh Hà Nội.  9 chiếc B-52 từ phi trường U-Tapao, Thái Lan, chuyển hướng, oanh kích Bắc Giang. 6 B-52 từ căn cứ Anderson, Guam, được lịnh bay về căn cứ.
Hà Nội tuyên bố đã bắn hạ 1 B-52 và bắn trúng 2 B-52 khác.
Đến nửa đêm 20-12-1972, 9 tiểu đoàn tên lửa quanh Hà Nội chỉ còn có 12 quả SA-2. Nhiều nơi “trắng bệ”, tức là không còn trái hỏa tiễn nào cả.
Ngày 21-12-1972
HK vẫn tấn công 3 đợt.
- 36 phi vụ B-52
- 92 phi vụ cường kích yểm trợ cho B-52 đánh bom vào 9 mục tiêu ở HN, Bắc Giang, Yên Bái, Hà Tây, Vĩnh Phú.
Phía CSBV tuyên bố đã bắn rơi:
- 1 chiếc B-52
- 1 chiếc F-111
Đêm 22 rạng 23-12-1972
-24 phi vụ A-7
- 34 phi vụ F-4
- 65 phi vụ F-4, F-105
- 30 phi vụ B-52
Đánh vào nhà máy điện Việt Trì, ga Bắc Giang, ga Kép, không kích Hải Phòng.
Phía CSBV tuyên bố đã bắn trúng:
2 chiếc B-52.
Hoa Kỳ xác nhận chỉ có một B-52 bị thương, về đến phi trường U-Tapao với 19 lỗ thủng trên toàn thân. 70 giờ sửa chữa.
Đêm 23 rạng 24-12-1972
Sau 5 đêm liên tục oanh kích HN, HP và các vùng phụ cận, đêm nầy HK đổi hướng bay.
- 36 chiếc F-4
- 24 chiếc A-7
- 30 B-52
Các phi cơ nầy từ phi trường U-Tapao bay vòng ra biển, rồi bay sát biên giới VN-TQ, vào oanh kích các vị trí hoả tiễn phòng không SA-2 đặt ở HN.
Hoa Kỳ thừa nhận, mất 1 chiếc EB-66 do tai nạn và 1 chiếc F-4J bị cao xạ bắn rơi.
Ngày 24-12-1972
- 30 chiếc B-52
- 69 chiếc phi cơ cường kích và tiêm kích, cùng các phi cơ tác chiến điện tử (Tiêm kích: tấn công trên không, không chiến), vẫn dùng chiến thuật “vòng tránh” bay vào đánh phá các mục tiêu đã định.
Không có phi cơ nào bị bắn rơi cả. HK xác nhận, 1 B-52 hạ cánh xuống phi trường U-Tapao với 12 lỗ thủng trên thân. Mất 226 giờ sửa chữa.
Ngày 25-12-1972.
Tổng thống Nixon tuyên bố tạm ngừng ném bom một ngày nhân dịp lễ Giáng Sinh.
Ngày 26-12-1972
Là đột tấn công quy mô lớn nhất, cường độ mạnh nhất.
- 120 phi vụ B-52
- 32 phi vụ A-7
-  8 phi vụ F-4
Trước khi B-52 ném bom, 10 chiếc F-111A đánh phá các phi trường, nhà ga, đường sắt.
Để yểm trợ và bảo vệ B-52, 113 chiếc F-4, F-5 và phi cơ tác chiến điện tử, phá nhiễu Radar, để vô hiệu hoá hỏa tiển điều khiển bằng Radar.
Hướng bay cũng thay đổi, là từ 4 hướng đột nhập vào Hà Nội, làm rối loạn các hướng hỏa tiễn.
Tại Hà Nội, lúc 20 giờ 53 phút, 56 chiếc F-105, F-4 rải một bức tường nhiễu, dầy từ 5 đến 7 km, rộng hàng chục km, bao phủ cả bầu trời HN, làm vô hiệu Radar và hỏa tiễn điều khiển, đánh phá vào các mục tiêu đã định.
Kế đó, 27 tốp B-52 từ Lào, 13 tốp từ Biển Đông bay vào đánh phá Hà Nội.
Phía CSBV tuyên bố đã bắn rơi 8 chiếc B-52.
Phía HK xác nhận chỉ có 1 chiếc bị rơi.
Ngày và đêm 27-12-1972
- 26 phi vụ A-7
- 29 phi vụ F-4
Đánh phá ban ngày, dọn đường cho B-52 ném bom ban đêm. Trên đường bay ra, toán MiG-21 chận đánh, bắn rơi 2 chiếc F-4E và 1 chiếc F-4 trong trận không chiến.
Từ 22 giờ 59 phút, 60 chiếc B-52 được 101 chiếc phi cơ chiến thuật yểm trợ, đã oanh tạc tiêu diệt 3 trận địa hỏa tiễn SA-2.
Tiểu đoàn tên lửa 72 bắn rơi 1 chiếc B-52.
Lúc 23 giờ 05 phút, phi công Phạm Tuân điều khiển MiG-21 MF, bắn rơi 1 chiếc B-52 ở Sơn La. Phạm Tuân là Trung tướng CSBV từ năm 1999.
Hoa Kỳ xác nhận có 2 B-52 bị bắn hạ, 1 rơi tại chỗ, 1 rơi tại Lào.
Ngày và đêm 28-12-1972
- 32 chiếc A-37
- 8 chiếc F-4
- 60 chiếc B-52
Tấn công diệt cả tiểu đoàn tên lửa 94
2 tiểu đoàn tên lửa  57 và 77 bị phi cơ HK phá hỏng khí tài. Các phi cơ Mỹ oanh tạc ga Đồng Mỏ, Cổ Loa và các trận địa hỏa tiển SAM ở Phúc Yên.
Lúc 21 giờ 44 phút, phi công Vũ Xuân Thiều điều khiển MiG-21 bắn rơi chiếc B-52 trên bầu trời Sơn La. Liền ngay sau đó, Vũ Xuân Thiều bị tử thương vì chiếc MiG bị tiêu diệt.
Hoa Kỳ xác nhận không có chiếc B-52 nào bị bắn hạ, mà chỉ có chiếc trinh sát RA-5C do MiG bắn rơi.
Ngày và đêm 29-12-1972.
- 55 chiếc B-52.
- 102 phi cơ cường kích và tiêm kích, loại tấn công mặt đất và không chiến, A-7, F-4, F-111 ném bom hủy diệt ga Đồng Mỏ, cơ sở lắp ráp hỏa tiển SAM ở Phúc Yên, Trại Cá, sân bay Kép…
Phía CSBV tuyên bố đã bắn rơi:
- 1 chiếc B-52.
Nhưng phía Hoa Kỳ xác nhận là không có phi cơ nào bị rơi cả.
Ngày 30-12-1972
Lúc 7 giờ sáng ngày 30-12-1972 (tức 7 giờ tối ngày 29-12-1972 giờ Washington)
Tổng thống Richard Nixon tuyên bố ngưng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20.
Chiến dịch Linebacker II chấm dứt. Hai bên tuyên bố thiệt hại với những con số khác nhau,  khó kiểm chứng.
Phía CSBV tuyên bố đã bắn hạ:
-  61 chiếc B-52.
- 693 phi cơ các loại.
Phía Hoa Kỳ xác nhận con số phi cơ bị bắn rơi như sau:
- 19 chiếc B-52.
- 106 phi cơ chiến thuật các loại.
Trong chiến dịch nầy, CSBV tuyên bố rầm rộ là lần đầu tiên, phi cơ B-52 đã bị bắn rơi bởi MiG-21 do Phạm Tuân điều khiển.
HK tuyên bố đã đưa Hà Nội trở lại “Thời kỳ đồ đá”. Hà Nội tuyên bố chiến thắng vinh quang, lừng lẫy, là đã tạo ra một “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Lê Đức Thọ phải trở lại bàn hộị nghị Paris.
Trong những tù binh HK do CSBV bắt giữ có 2 người nổi tiếng là Thiếu tá McCain, con trai của Đô đốc John S. “Jack” McCain, Jr. Tư lệnh Lực lượng HK ở Thái Bình Dương. Chiếc A-4E Skyhawk của ông, bị bắn rơi ngày 26-10-1967, ông rớt xuống hồ Trúc Bạch, HN. Bị giam ở Hanoi Hilton (Nhà tù Hỏa Lò) trong thời gian hơn 5 năm rưởi, được thả ngày 14-3-1073. Người thứ hai là ông Peter Peterson, cựu Thượng Nghị Sĩ HK, và là Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Hà Nội.
Người tù binh đầu tiên và bị tù lâu nhất là Trung úy Hải quân Everett Alvarez, bị bắn rơi ngày 5-8-1964 trong phi vụ ném bom cảng Hải Phòng. Đa số tù binh Mỹ bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, mà các tù binh đặt cho cái tên là Hanoi Hilton. Hilton là tên một khách sạn sang trọng ở HN.
5* Sự “thành công” của cuộc đột kích Sơn Tây
Sau năm 1975, ông Ross Perot tổ chức một cuộc họp mặt các quân nhân đã tham dự cuộc đột kích Sơn Tây hồi năm 1970, tại San Francisco, các quân nhân cảm thấy buồn vì không cứu được ai cả, nhưng đối với các tù binh, thì họ được xem là những anh hùng.
Thành công về mặt tinh thần, là các tù binh trở nên tích cực hơn, hăng hái hơn, vì biết rằng họ không bị bỏ quên.
Sau vụ tấn công, việc cư xử đối với tù binh thay đổi, trước kia, họ bị xem là những tội phạm, bị tra tấn, hành hạ và khủng bố tinh thần.
Về chiến thuật, cuộc hành quân đột kích xem như đã thành công. Các quân nhân HK đã vượt một đoạn đường 400 dặm trên lãnh thổ địch, vào Sơn Tây để cứu khỏang 65 tù binh ở đó.
Đại tá Arthur D. Simons cho biết “Trên toàn miền Bắc lúc đó có khoảng 450 sĩ quan và binh sĩ bị cầm tù, chúng tôi dự định mang về một số, nhưng điều quan trọng là chúng tôi truyền đến họ một thông điệp là Tổ quốc không quên họ”.
6* Kết
Hoa kỳ rất quý trọng tính mạng của người dân, và chính quyền luôn có nhiệm vụ bảo vệ công dân của mình. Biết thế, các tổ chức khủng bố thường nhắm vào việc bắt cóc các thường dân mang quốc tịch HK.
Trái lại, đối với Cộng Sản Bắc Việt thì khác. Thái độ họ không nhận lại những cán binh miền Bắc của mình, mà Việt Nam Cộng Hòa trả tự do ở Sông Bến Hải hồi trước năm 1975. Họ đã lừa bịp thế giới, cho rằng chỉ có người dân miền Nam nổi dậy chống chế độ VNCH mà thôi. Sự trơ trẻn ngay giữa lúc, mà trên đường mòn HCM, hàng chục sư đoàn CSBV xâm nhập, để giết hại con em miền Nam đã tập họp trong những đơn vị quân đội hy sinh tánh mạng, bảo vệ tự do cho đồng bào.
Trúc Giang
Minnesota ngày 1-10-2011

No comments:

Post a Comment